Thủ tướngChính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn

Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành cùng tham gia buổi làm việc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc sau khi nhận chức.

Bởi, “Tình hình mới đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi muốn nghe về tình hình đất nước thông qua cơ quan tham mưu tổng hợp, cũng là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như những giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trước mắt là điều hành nền kinh tế trong năm 2016 trong bối cảnh Chính phủ mới vừa bổ sung 21 thành viên mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2016 với nhiều khó khăn, khi hạn hán kéo dài, giá dầu thấp, doanh nghiệp khó khăn, chưa kể những điểm yếu của nền kinh tế còn chưa được tháo gỡ.

Do vậy, điều quan trọng là phải làm sao để thích ứng và có giải pháp điều hành trong tình hình khó khăn đó.

Nhắc tới tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của quý I/2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải làm sao có biện pháp dài hơn hơn, đồng thời cấp bách hơn để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

“Dân chúng ta, Đảng chúng ta không chấp nhận tiếp tục giảm tăng trưởng kinh tế nữa. Tổng quy mô GDP của nước quá nhỏ, nên không thể để tăng trưởng thấp. Muốn chất lượng tăng trưởng cao hơn thì cũng phải đảm bảo một tốc độ tăng trưởng hợp lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh

Làm rõ hơn về bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian tới, vẫn cần kiên trì mục tiêu hàng đầu của điều hành là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, lương thực thực phẩm không để tác động đến đời sống nhân dân.

Điều hành tín dụng theo tín hiệu thị trường, hạn mức tín dụng, giảm dần lãi suất cho vay, chỉ đạo xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém. Quản lý chặt chẽ tài sản công, kiểm soát chi tiêu hiệu quả. Hạn chế sử dụng dự phòng cho các mục tiêu khác.

Nhập khẩu cần phân tích nguyên nhân, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhất là những mặt hàng không thiết yếu, triển khai các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan.

Không nhấn mạnh việc phải tăng trưởng bao nhiêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, người dân đang kỳ vọng vào sự thay đổi, chứ không quan tâm tới việc tăng trưởng bao nhiêu. Vì thế, cần phải có sự chuyển biến trong điều hành, thay đổi về bản chất điều hành thì mới lấy lại được niềm tin của người dân.

Đánh giá về lạm phát 2016, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, khả năng CPI cao hơn 2016, nhưng không tới mức lo ngại.

Điều này được ông Ngoạn lý giải trên cả 3 yếu tế. Về cầu kéo, thì nhìn chung, tổng cầu còn khó khăn. Về chi phí đẩy, thì dù giá lương thực, thực phẩm có tăng, nhưng tác động không lớn; giá dầu thô cũng khó có thể lên cao tới 50-60 USD; giá dịch vụ có thay đổi, nhưng vẫn ổn định. Yếu tố tiền tệ cũng không thể có tác động lớn, tỷ giá kiểm soát ở mức độ hợp lý, dù có tăng so với năm trước.

Ông Ngoạn cho rằng, CPI khoảng 3-4% là cần thiết và nên ở mức như vậy.

Cần lấy lại niềm tin của thị trường, của người dân và cả doanh nghiệp

Trên cơ sở khó khăn của nền kinh tế, ông Ngoạn nhận định, dư địa chính sách gần như cạn kiệt. Ông kiến nghị, không tăng trưởng bằng mọi giá, không kích cầu bằng các công cụ chính sách nữa và cũng không tăng tổng cầu.

“GDP năm 2016 thấp hơn mục tiêu 6,7% thì vẫn có thể chấp nhận được”, người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định.

Theo đó, ông đề xuất, cần xác định rõ động lực tăng trưởng của năm nay để có hướng phát triển phù hợp, tập trung mạnh tác động cho bên cung, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế để tăng năng suất lao động.

Ông Ngoạn cũng đặc biệt nhấn mạnh tới khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông, dư địa của khu vực kinh tế này còn khá lớn. Do đó, cần có chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp, trong đó có lãi suất.

Lãi suất thực của Việt Nam hiện rất cao, ở mức 8-9%, trong khi Trung Quốc chỉ từ 1-4%, ông Ngoạn cho rằng, điều hành bằng công cụ giảm lãi suất hiện có nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời, hỗ trợ cho cả Chính phủ (cụ thể là giảm lãi suất trái phiếu chính phủ).

Tuy nhiên, “mức lãi suất giảm bao nhiêu, thời điểm nào, thì cần phải tính toán”, ông Ngoạn lưu ý.

Cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi có sự thay đổi, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, có thể xem xét xử lý ngay tại chỗ một số kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp hôm tới.

“Cần tạo ra khác biệt, lấy lại niềm tin là quan trọng hơn là thúc đẩy tăng trưởng chạy theo con số”, ông Cung nói.

Ở góc nhìn lạc quan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, vẫn còn dư địa trong đầu tư xây dựng cơ bản. Theo Thứ trưởng Đông, tài sản công hiện đang rất lớn, nhưng chúng ta đang quản lý tài sản quá lỏng lẻo.

Dẫn chứng việc đấu thầu thành công khách sạn Kim Liên, thu được số tiền lớn hơn so với dự kiến, Thứ trưởng cho rằng, sẽ không thiếu tiền cho đầu tư, nếu chúng ta thực hiện đấu thầu công khai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại buổi làm việc

Khẳng định vai trò tham mưu trưởng của Bộ trong bối cảnh mới

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hiện, Bộ đang được giao dự thảo 3 luật là Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đặc khu kinh tế.

Trong đó, Luật Quy hoạch và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hoàn thiện để trình Chính phủ và Quốc hôi cho ý kiến; Luật Đặc khu Kinh tế đang được nghiên cứu lại, chuẩn bị kỹ để báo cáo Chính phủ, quốc hội đưa vào chương trình luật.

Bộ trưởng cũng đề xuất, trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chấn chỉnh yêu cầu chỉ được lập quy hoạch tổng thể, không lập mới hay điều chỉnh các quy hoạch cấp huyện; chỉ được quy hoạch hạ tầng tài nguyên, không lập mới và điều chỉnh các quy hoạch ngành, sản phẩm để đỡ tốn kém, mất thời gian và cản trợ sự phát triển.

Đánh giá cao những thành công đã đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ phải thực hiện tốt vai trò là tham mưu trưởng về các giải pháp kinh tế - xã hội cho Chính phủ, có tư duy đổi mới, “phải là đường dây nóng về kinh tế” để tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô cấp bách.

“Tinh thần lớn là tập trung hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ ngay các rào cản phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Bộ phải là đơn vị đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề xuất mô hình tăng trưởng như mô hình đặc khu kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa; quan tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp…

Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tốt với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổ chức phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4 tới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải có giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Về một số giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đưa ra giải pháp tạo nguồn cho đầu tư phát triển, mà không chỉ là vay nước ngoài, phát hành trái phiếu. Đồng thời, kiểm soát và tiết kiệm trong đầu tư công, kể cả chi cho đầu tư phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công, tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục.

Thủ tướng cũng yêu cầu, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ chi tiêu công, mua sắm công, đảm bảo bình đẳng, công khai trong đấu thầu; nghiên cứu hình thức mua sắm công, đấu thầu quốc gia qua mạng, để góp phần tăng cường công khai, minh bạch. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thẩm định lại các dự án quốc gia quan trọng, trước hết là các dự án có vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc thoái vốn để lấy nguồn đầu tư cho các lĩnh vực khác; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra chính sách đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu gói hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ”, Thủ tướng giao nhiệm vụ./.