Nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: "quý I/2014, lao động đã qua đào tạo chiếm 47,8% trong tổng lực lượng lao động, tăng so với quý I/2013 (46,3%); 5,2 triệu người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, 2 triệu người tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, 2,7 triệu công nhân kỹ thuật”.

Đặc biệt, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm. Trong quý I/2014, có 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp, chiếm 4,14% tổng số người có trình độ này, tăng 4,3 nghìn người so với quý IV/2014.

Thất nghiệp thanh niên tiếp tục là vấn đề cần quan tâm. Trong quý I/2014, cả nước có 504,7 nghìn thanh niên (nhóm từ 15-24 tuổi) bị thất nghiệp (chiếm 6,66%), tăng 54,4 nghìn người so với quý IV/2013 và tăng 17 nghìn người so với quý I/2013. Trong đó, có 21,2% thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp.

Bản tin cũng cho thấy việc làm trong quý I/2014 vẫn đảm bảo so với cùng kỳ năm trước tăng 1,2%, hệ số co giãn việc làm theo GDP của quý I/2014 đạt 0,23, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Hệ số này vừa cho thấy, tăng trưởng kinh tế đã góp phần cải thiện việc làm, nhưng cũng phản ánh công nghệ của nền kinh tế chủ yếu là thâm dụng lao động.

Thu nhập bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương trong quý I/2014 tăng 534.000 so với quý IV/2013 (do có khoản thưởng nhân dịp Tết).

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp đạt 20,6% trong quý I/2014, trong khi mục tiêu nước ta phấn đấu đến 2020 tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%.

Lao động một số ngành, nghề có sự biến động lớn

PGS, TS. Nguyễn Bá Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Lao động Xã hội cho biết, lao động một số ngành, nghề có biến động lớn so với quý IV/2013. Giảm nhiều nhất là nhóm ngành xây dựng (giảm 448.000 người), ngành bán buôn-bán lẻ (giảm 218.000 người; tăng nhiều nhất là nhóm ngành nông, lâm, thủy sản (tăng 814.000 người).

Thu nhập bình quân tháng trong quý I/2014 của nhóm lãnh đạo là cao nhất (8,2 triệu đồng), tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao (6,9 triệu đồng), thấp nhất là nhóm lao động giản đơn (3 triệu đồng). Chênh lệch giữa nhóm nghề có thu nhập cao nhất và thấp nhất là 2,8 lần.

Thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nhà nước cao nhất (6 triệu đồng/tháng, riêng doanh nghiệp nhà nước là hơn 6,8 triệu đồng/tháng), trong khi đó, khu vực cá thể có mức thu nhập thấp nhất (chỉ có 3,2 triệu đồng/tháng) và cũng là nhóm có mức tăng thấp nhất so với quý IV/2013.

Thu nhập bình quân tháng trong quý I/2014 của lao động nhóm ngành nông, lâm, thủy sản vẫn thấp nhất (3,2 triệu đồng/tháng); trong khi nhóm ngành công nghiệp - xây dựng là 4,5 triệu đồng và nhóm ngành dịch vụ (5,4 triệu đồng).

Trong năm 2014, kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi sẽ tạo cơ hội cho thị trường lao động chuyển biến tích cực. Nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng, tập trung tại những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Kết quả điều tra thực trạng sử dụng lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng trong các loại hình doanh nghiệp năm 2013 cho thấy, số lao động có nhu cầu tuyển thêm năm 2014 khoảng 600.000 người, trong đó lao động thay thế khoảng 100.000 người. Ngành có nhu cầu tuyển lao động nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (288.000 người, xây dựng (50.000 người)./.