Ngày 4/5, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Thống kê (6/5/1946 - 6/5/2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba đã được diễn ra trọng thể tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Tổng cục Thống kê

Năm 2015, Thống kê Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm không giấu được lòng tự hào khi điểm lại những mốc son lịch sử của ngành.

Ngày 06 tháng 5 năm 1946 được coi là điểm mốc lịch sử của ngành, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế - tổ chức tiền thân của ngành Thống kê nước ta. Ngày 13/02/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 545/VPCP-KTTH đồng ý lấy ngày 06 tháng 5 năm 1946 là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.

“Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê đã lớn mạnh không ngừng về mọi mặt”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Với sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ chế quản lý kinh tế và yêu cầu của việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất nước trong nền kinh tế thị trường với nhiều khái niệm mới, nội dung mới, các hệ thống chỉ tiêu thống kê ở cấp quốc gia cũng như các cấp quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương đã được đổi mới toàn diện.

“Mới đây nhất là Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia lần đầu tiên được quy định trong Luật Thống kê năm 2015 với 186 chỉ tiêu thống kê thay thế cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư quy định nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; danh mục và nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Việc đổi mới và hoàn thiện phương pháp thu thập thông tin cũng đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, bước chuyển biến rõ nhất là sử dụng điều tra thống kê, nhất là điều tra chọn mẫu thay thế hình thức thu thập thông tin qua chế độ báo cáo thống kê là hình thức phổ biến trong giai đoạn trước đây. Các cuộc điều tra chủ yếu do ngành Thống kê tiến hành đã được sắp xếp theo kế hoạch, trong đó các cuộc tổng điều tra, như: Tổng điều tra dân số và nhà ở, Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp đã được Luật hóa trong Luật Thống kê năm 2015; các cuộc điều tra thống kê quan trọng khác trên các lĩnh vực được thực hiện hàng năm theo kế hoạch, qua đó tạo điều kiện chủ động cho khâu chuẩn bị, triển khai và công bố thông tin của Ngành. Việc thu thập thông tin thống kê từ nguồn dữ liệu hành chính đã chính thức được quy định trong Luật Thống kê năm 2015.

Đặc biệt, việc xử lý, tổng hợp và phân tích của ngành Thống kê cũng đã được đổi mới theo hướng tin học hoá. Lần đầu tiên ngành Thống kê đã áp dụng thành công công nghệ nhận dạng ký tự thông minh vào xử lý số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tiếp đó là Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014. Việc ứng dụng và phát triển các phần mềm chuyên dùng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, tăng độ chính xác của thông tin tổng hợp và giảm cường độ lao động cho cán bộ thống kê các cấp. Cơ sở dữ liệu của các cuộc Tổng điều tra, điều tra lớn được lưu giữ, đảm bảo cho việc khai thác chi tiết hơn và sử dụng số liệu lâu dài.

Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, vừa “hướng về người dùng tin”, trong những năm qua đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được mở rộng, lượng thông tin cung cấp cho mỗi đối tượng dùng tin cũng không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng.

Đến nay, hầu hết các loại số liệu thống kê đã được cung cấp đến tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng bằng nhiều kênh phổ biến thông tin khác nhau. Chính sách phổ biến thông tin thống kê nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg đã được đưa công tác này từng bước đi vào quy củ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đọc diễn văn khai mạc

Việc tích cực chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực Thống kê Việt Nam, làm tiền đề để Thống kê Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên của Thống kê Liên hợp quốc. Nhờ vậy, vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng quốc tế đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Theo đánh giá năng lực thống kê của các cơ quan thống kê do Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2015, Thống kê Việt Nam đã đạt 82,22 điểm, đúng thứ 26 trên tổng số 144 quốc gia được đánh giá và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những thành tựu, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của Ngành.

Đó là: Mức độ đáp ứng thông tin của ngành Thống kê cho các đối tượng dùng tin chưa thực sự đầy đủ, kịp thời; phạm vi thống kê chưa bắt kịp sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội; phương pháp thống kê một số chuyên ngành còn chậm cải tiến; chất lượng số liệu thống kê còn hạn chế; chênh lệch số liệu thống kê còn tồn tại; hoạt động phân tích, dự báo thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thống kê đã được củng cố, đào tạo, bổ sung song còn thiếu và yếu so với yêu cầu.

Nhiệm vụ trong giai đoạn mới tuy rất nặng nề, song đầy tự hào

Với những kinh nghiệm rút ra từ chặng đường 70 năm hoạt động, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trước yêu cầu cụ thể về thông tin kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngành Thống kê tập trung vào 6 nội dung phát triển chủ yếu sau:

Một là, bảo đảm tốt nhất thông tin kinh tế - xã hội định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng trong và ngoài nước. Đồng thời, phải xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê. Chuyển hướng mạnh mẽ từ phổ biến những thông tin đã thu thập, tổng hợp sang phổ biến thông tin thống kê theo nhu cầu của các đối tượng sử dụng.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê. Triển khai xây dựng các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Luật Thống kê năm 2015 sớm đi vào cuộc sống khi có hiệu lực.

Ban hành các văn bản quy định cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ và kết nối thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ban, ngành nhằm góp phần tạo lập hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

Tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng thống kê. Tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung định hướng, tầm nhìn phù hợp với xu hướng phát triển của thống kê thế giới và khu vực, phù hợp với sự gia nhập Hệ thống thống kê Cộng đồng ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu chỉ đạo

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống thống kê tập trung theo hướng chuyên môn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế do Đảng và Chính phủ chỉ đạo.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng phương pháp luận thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê.

Hoàn thiện phương pháp điều tra chọn mẫu theo từng lĩnh vực và thiết lập, cập nhật dàn mẫu phục vụ các cuộc điều tra thống kê. Biên soạn và công bố các bảng cân đối quan trọng như bảng cân đối năng lượng, bảng cân đối lương thực, bảng cân đối liên ngành… Từng bước nghiên cứu và ứng dụng Dữ liệu lớn (Big Data) vào hoạt động thống kê ở nước ta.

Năm là, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thống kê.

Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê theo hướng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác song phương và đa phương nhằm tiếp cận nhanh phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm thành công và chuẩn mực thống kê quốc tế. Chủ động trong việc hội nhập Thống kê Cộng đồng ASEAN. Nâng cao hiệu quả hợp tác với thống kê các nước theo Biên bản ghi nhớ và Kế hoạch đã ký kết.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế làm việc, xây dựng cơ quan, đơn vị ổn định, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đánh giá cao những đóng góp quan trọng, có tính đột phá của ngành thống kê trong những thời điểm lịch sử quan trọng, khó khăn của đất nước cũng như trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Cũng đánh giá cao những nhiệm vụ ngành đặt ra trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng lưu ý, ngành thống kê cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về thống kê để hệ thống thống kê nhà nước hoạt động hiệu quả trong công tác thu thập, xử lý, cung cấp và thông tin thống kê; đồng thời, cần nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức của hệ thống thống kê theo hướng chuyên môn hóa hoạt động thống kê phù hợp với xu hướng, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Luật Thống kê 2015.

Ngoài ra, ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin thống kê đến các đối tượng sử dụng để nâng cao hiệu quả thông tin thống kê, biến thông tin thống kê thành tri thức của người sử dụng. Từ đó, biến thành các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế đất nước./.