Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 (VDR 2014) với tựa đề “Phát triển kỹ năng: xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới vừa công bố ngày hôm nay (29/11), nhấn mạnh rằng, bản chất công việc trong một nền kinh tế thị trường hiện đại sẽ thay đổi và trở nên phức tạp hơn.

Do đó, Việt Nam cần trang bị những kỹ năng mới cho lực lượng lao động để tiếp tục tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cần trang bị các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của người sử dụng lao động.

Báo cáo cho thấy, người sử dụng lao động Việt Nam đang tìm kiếm một tập hợp các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật chất lượng cao. Người sử dụng lao động xác định các kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc là kỹ năng quan trọng nhất. Sau đó là các kỹ năng nhận thức (tư duy, phản biện…) và các kỹ năng hành vi (giao tiếp, làm việc nhóm).

Vì vậy, việc định hướng lại hệ thống giáo dục để tập trung hơn vào các kỹ năng này sẽ giúp người lao động Việt Nam sẵn sàng cho tương lai vì những kỹ năng này rất quan trọng đối với hầu hết các ngành.

Báo cáo cũng đề xuất một kế hoạch gồm 3 bước để thực thi chiến lược tổng thể về kỹ năng cho Việt Nam:

(i) Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non

(ii) Xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông

(iii) Phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động với sinh viên, các trường đại học và các trường dạy nghề.

Nói về vấn đề phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp, Ông Christian Bodewing - Chuyên gia Kinh tế Trưởng, Ngân hàng Thế giới, tác giả của Báo cáo nhấn mạnh rằng, cần phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức đào tạo, các trường đại học.

Ông cho biết ở một số mặt, giáo dục Việt Nam đã làm rất tốt so với các nước có trình độ phát triển kinh tế khác. Nhưng đối với sự phát triển của Việt Nam, có một số doanh nghiệp lớn cần đến những kỹ năng cao hơn so với truyền thống thì hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng được điều đó.

Do đó, điều quan trọng là hệ thống giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để trang bị cho những người lao động trong nền kinh tế tiên tiến những kỹ năng mà họ sẽ cần. Hơn nữa, người lao động của Việt Nam có trình độ lý thuyết rất tốt song trình độ về thực hành lại chưa tốt để có thể làm việc một cách hiệu quả.

Vì thế, cần phải đưa những kinh nghiệm thực tế vào chương trình giảng dạy. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi có sự kết nối tích cực giữa doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, trường đại học. Chính phủ Việt Nam nên đóng vai trò hỗ trợ để đảm bảo luồng trao đổi thông tin tốt hơn giữa người sử dụng lao động , các tổ chức giáo dục, trường đại học và học sinh. Đồng thời nâng cao năng lực và cung cấp các động cơ khuyến khính đúng đắn cho các trường đại học để họ trở thành những đối tác hiệu quả của các doanh nghiệp.

Báo cáo kêu gọi Chính phủ cần có hành động ngay vì những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải cần đến một thế hệ để xây dựng một lực lượng lao động được trang bị đúng những kỹ năng phù hợp./.