Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2016, toàn Thành phố có 76.046 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Thống kê số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp do cụm thi Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì có 16.390 em. Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội thì năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (tăng 11.000 em).

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong số 55.615 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016, có hơn 52.000 em đăng ký thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng; hơn 2.200 chỉ đăng ký xét tốt nghiệp và hơn 800 học sinh chỉ đăng ký để xét tuyển.

Đã có sự chuyển biến trong cách chọn ngành, nghề và cấp học của phụ huynh và học sinh trong kỳ tuyển sinh 2016

Không chỉ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê từ nhiều địa phương trên cả nước có tới gần 70% thí sinh đăng ký dự thi chỉ ở các cụm địa phương, có nghĩa là các em không dự thi với mục đích xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết, lượng học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại 38 trường THPT và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên của Tỉnh vào khoảng 8.100 thí sinh. Trong đó, có đến trên 5.600 thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm ngoái. Số còn lại, các em đăng ký thi vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng cũng không hoàn toàn những thí sinh đăng ký dự thi với 2 mục đích là tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ đăng ký xét tuyển đại học.

Cũng như vậy ở tỉnh Lào Cai, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, toàn Tỉnh có trên 6.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, trong đó có 3.199 thí sinh (chiếm hơn 50% tổng số thí sinh) chỉ đăng ký dự thi với mục đích xét tốt nghiệp.

Ở tỉnh Vĩnh Phúc số thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp năm 2016 cũng tăng cao so với các năm trước. Nếu năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 55%, thì năm nay theo khảo sát đã là 69,1%.

Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh và phụ huynh trong kỳ tuyển sinh năm nay về việc lựa chọn ngành, nghề và cấp học phù hợp với năng lực bản thân, cũng nhu cầu của thị trường.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm ủng hộ và cần khuyến khích xu hướng thay vì vào đại học bằng mọi giá nhưng có nguy cơ thất nghiệp lớn, thì lựa chọn học nghề giúp học sinh tiết kiệm thời gian học, thời gian dạy, chi phí cơ sở vật chất, giáo dục. Đồng thời, bớt đi chi phí về an sinh xã hội, tìm việc làm sau này.

Điều này cũng cho thấy, công tác thông tin tuyên truyền về xu hướng thị trường lao động, công tác hướng nghề tại các trường THPT ngày càng được chú trọng. Nếu công tác này được duy trì và làm tốt những năm tới, chuyện thừa thầy thiếu thợ và tình trạng cử nhân thất nghiệp của nước ta sẽ từng bước được khắc phục./.

Nguồn tham khảo:

1. Minh Khôi (2016). Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Tín hiệu vui khi học sinh “né”... ĐH, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ky-thi-THPT-quoc-gia-2016-Tin-hieu-vui-khi-hoc-sinh-ne-DH/254522.vgp

2. Hoa Hạ (2016). Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Nhiều thí sinh không thi đại học, cao đẳng, truy cập từ http://baodansinh.vn/ky-thi-thpt-quoc-gia-2016-nhieu-thi-sinh-khong-thi-dai-hoc-cao-dang-d33866.html