Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố Bản tin Cập nhật thị trường lao động Việt Nam - Số 9, quý 1/2016. Theo đó, nhiều thông tin đáng chú ý về tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Hơn 1,07 triệu lao động bị thất nghiệp trong quý 1/2016

So với quý 4/2015, số người có việc làm giảm 211,12 nghìn người trong quý 1/2016. Trong tổng số 1,6 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35giờ/tuần có 821,1 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 62,8 nghìn người so với quý 4/2015. Khu vực nông thôn chiếm 86,8% tổng số lao động thiếu việc làm.

Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 28,03 giờ, bằng 59,9% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (46,83 giờ/tuần). Mặc dù tỷ lệ này vẫn còn thấp, nhưng so với cùng kỳ năm 2015 đã tăng 3,57 giờ.

Trong quý 1/2016, cả nước 1.072,3 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, tăng lên so với quý 4/2015. Trong đó, nhóm thanh niên (15-24 tuổi) chiếm 50,4% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị, thanh niên có trình độ đại học là 10,2% và 19,6%. Tỷ lệ thất nghiệp của nam giới và khu vực nông thôn lại vẫn ở mức cao là 2,50% và 1,3%.

Đáng chú ý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra, trong tổng số hơn 1,07 triệu lao động thất nghiệp, có đến 441,1 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật chiếm 41,1%, tăng 23,7 nghìn người so với quý 4/2015. Trong đó, có 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên (tăng 35,4 nghìn người so với quý 4/2015), 118,9 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (tăng 3,9 nghìn người), 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề (tăng 3,9 nghìn người)...

Lý giải tình trạng nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp trong quý 1, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, do nhu cầu tuyển dụng tại thời điểm này khá đặc biệt. Các doanh nghiệp tăng nhu cầu với lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp, nhưng lại giảm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp tăng vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội

Tăng số lao động tìm được việc làm qua trung tâm

Trong quý 1/2016, 64 Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý tổ chức được 265 phiên giao dịch việc làm với gần 415 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, 230 nghìn lượt người tìm được việc làm, chiếm 55,42% tổng số người được tư vấn.

So với quý 4/2015, mặc dù số phiên và số lượt người tư vấn có giảm đi, nhưng số người tìm được việc làm qua trung tâm lại tăng lên trong quý 1/2016. Điều này cho thấy, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm thuộc Bộ quản lý đã và đang dần được nâng cao.

Bên cạnh đó, theo phân tích xu hướng cung – cầu lao động từ cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2016 nhu cầu tuyển dụng là 224,4 nghìn người, tăng 11,9% so với quý 4/2015, nhưng giảm 16,7% so với quý 1/2015.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng chủ yếu ở nhóm công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân (tăng 17,1% so với quý 4/2015); công ty cổ phần tăng 9,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%.

Đáng chú ý, mặc dù nhu cầu tuyển dụng trong quý 1 nhiều nhất là nhóm lao động phổ thông (29,4 nghìn người), nhưng số người có nhu cầu tìm việc làm tăng lên ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (trung cấp tăng từ 67,5 nghìn người trong quý 4/2015, lên 69,1 nghìn người; cao đẳng tăng từ 38,2 nghìn người, lên 46,5 nghìn người; đại học trở lên tăng từ 35,4 nghìn người, lên 41,3 nghìn người). Điều này cho thấy cung – cầu lao động vẫn chưa thực sự tìm thấy điểm chung./.