Hội đồng Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng ngày hôm qua 12/7 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, cũng như trong nước.

Trong phán quyết đó, Việt Nam cần lưu ý những điểm nào để có thể áp dụng giải quyết các vấn đề Biển Đông.

Những điểm chính trong phán quyết của Tòa trọng tài

Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét đến giá trị của “đường chín đoạn” của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà nước này được hưởng theo Công ước hay không.

Tòa đã xem xét lịch sử của Công ước và những điều khoản của nó liên quan đến các vùng biển và kết luận rằng mục đích của Công ước là phân bổ một cách toàn diện các quyền của các Quốc gia đối với các vùng biển. Tòa nhận thấy rằng câu hỏi về những quyền tồn tại từ trước đối với tài nguyên (đặc biệt là đối với tài nguyên cá) đã được xem xét cẩn thận trong các cuộc đàm phán về sự hình thành vùng đặc quyền kinh tế và rằng một số Quốc gia đã có mong muốn bảo tồn các quyền đánh cá lịch sử ở vùng biên mới này.

Tuy nhiên, quan điểm này đã bị bác bỏ và văn bản cuối cùng của Công ước chỉ cho các Quốc gia khác một quyền hạn chế trong việc tiếp cận về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế (trong trường hợp Quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá cho phép), mà không cho các quốc gia khác quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản.

Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước.

Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng, trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.

Do đó, Tòa kết luận rằng: “không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn””.

Yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc nuốt gần trọn diện tích Biển Đông

Cũng trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.

Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không? Theo Điều 121 của Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.

Tòa Trọng tài thấy rằng, quy định này liên hệ chặt chẽ với việc mở rộng quyền tài phán của Quốc gia ven biển với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn có thể tạo ra các vùng biển lớn, mà điều này xâm phạm vào vùng biển của các lãnh thổ có người ở hoặc vùng biển quốc tế và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại.

Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.

Tòa Trọng tài thấy rằng, nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia ven biển kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ.

Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930.

Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác.

Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.

Phán quyết có nhiều điểm có lợi cho Việt Nam

Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNCLOS 1982 trong bài phân tích của mình trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã khẳng định, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 (sau đây gọi là Tòa) xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines là một thắng lợi to lớn của công lý, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải thích, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là những khái niệm về "quyền lịch sử" hay hiệu lực pháp lý của các thực thể, điều kiện xác lập các vùng biển của các thực thể là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông đã được Tòa làm rõ.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải thích, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là những khái niệm về "quyền lịch sử" hay hiệu lực pháp lý của các thực thể, điều kiện xác lập các vùng biển của các thực thể là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông đã được Tòa làm rõ.

Cụ thể, về "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn", phán quyết của Tòa nêu rõ:

“không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn".

Điều này, theo TS. Trục, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bởi, phán quyết của Tòa đã cung cấp một câu trả lời hết sức thuyết phục, khách quan và có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp các phạm vi tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này đặc biệt lưu ý nhóm nội dung thứ 2 này của phán quyết.

Cụ thể đó là phán quyết: "không một cấu trúc nào Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế".

Bởi, theo TS. Trục, đây là tham chiếu rất cụ thể cho chúng ta soi lại vụ giàn khoan 981 Trung Quốc cắm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp.

Theo lập luận của phía Trung Quốc, thì vị trí cắm giàn khoan 981 nằm trong "vùng biển Hoàng Sa". Đây là khái niệm chung chung, không phải khái niệm pháp lý.

Nhưng có thể hiểu rằng, Trung Quốc muốn ám chỉ "vùng đặc quyền kinh tế" 200 hải lý của một hoặc một vài thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của cả quần đảo Hoàng Sa.

Lý lẽ này có thể bị bác bỏ nếu dẫn phán quyết của Tòa là: "không một cấu trúc nào Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế".

Điểm thứ hai, phán quyết cũng nêu rõ: "các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất".

Nói cách khác, Trường Sa không thể có đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải và do đó không thể có lãnh hải chung, vùng đặc quyền kinh tế chung cho cả quần đảo như với chế độ của "quốc gia quần đảo" quy định tại Điều 47, UNCLOS 1982.

Trong khi đó, năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho Hoàng Sa.

Nếu tham chiếu phán quyết của Tòa có thể khẳng định, tuyên bố trên của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng là một sự giải thích sai, áp dụng sai Điều 47, UNCLOS 1982.

TS. Trục nhấn mạnh, điều này đặc biệt quan trọng.

Bởi, “Từ năm 2009 đến nay, cứ khi nào Trung Quốc thích gây chuyện với Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là dùng giàn khoan khổng lồ, họ thường chọn vị trí ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa phân định, hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của ta, nhưng lập luận rằng đó là "vùng biển Hoàng Sa".

Và, theo phán quyết của Tòa, thì lý do Trung Quốc đưa ra khi dùng chiêu bài giàn khoan khổng lồ là sai với UNCLOS 1982./.

"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" công bố trên Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua giờ Bắc Kinh, bao gồm 4 nội dung:

1) Trung Quốc (tuyên bố) có chủ quyền đói với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Trường Sa.

2) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

3) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

4) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông

Như vậy Trung Quốc không nhắc gì đến đường 9 đoạn, ngay cả "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đề cập trong nội dung thứ 4 cũng không nói là trong phạm vi đường 9 đoạn.

TS. Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNCLOS 1982

Truy cập từ http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Sau-phan-quyet-trong-tai-Trung-Quoc-da-am-tham-huy-duong-9-doan-post169362.gd