Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 16/7.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị/ Ảnh: Minh Trang- mpi.gov.vn

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng: Cần sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2016. Bộ trưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu cả năm (cùng kỳ năm 2015 tăng 6,32%, mục tiêu cả năm là 6,7%). Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao và dự kiến đạt kết quả khả quan; Công nghiệp chế biến, chế tạo được dự báo phục hồi và tiếp tục tăng trưởng; Một số dự án đầu tư lớn trong ngành công nghiệp hoàn thành và đi vào sản xuất trong quý II/2016 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng; Về sản xuất nông nghiệp, vẫn còn dư địa trong việc tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt; Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nếu tập trung khắc phục khó khăn có thể tăng được khoảng 1,8- 2% trong 6 tháng cuối năm; Các ngành xây dựng, dịch vụ, du lịch còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế của một số địa phương trọng điểm đạt khá, như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cao hơn cùng kỳ năm ngoái và dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm sẽ đóng góp tỉ trọng quan trọng vào tăng trưởng của cả nước.

Đồng thời, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt khi 50 nghị định mới thay thế cho các thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị/ Ảnh: Minh Trang- mpi.gov.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu khai thác tốt các thuận lợi sẽ tạo động lực lớn đẩy mạnh hơn tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội đề ra.

Và để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải triển khai chỉ đạo đồng bộ, sự nỗ lực của tất các các cấp, các ngành.

Từ những kết quả nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm và các năm sau gồm: Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng; Khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; Kiên quyết thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành, lĩnh vực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng với chất lượng và hiệu quả cao. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; Kế hoạch đầu tư công năm 2016, xây dựng kế hoạch năm 2017 và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài; Thu hút đầu tư nước ngoài; Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP); Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Kiên quyết từ chối các dự án có ảnh hưởng xấu đến môi trường

Về thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đặc biệt là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của Công ty Formosa.

Theo Bộ trưởng Dũng, cần phải làm ngay 3 nhiệm vụ sau:

Một là, thu hút đầu tư phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Hai là, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu dân cư.

Ba là, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của dự án trong quá trình lập thiết kế cơ sở, xây dựng nhà xưởng, các hạng mục dự án, đặc biệt là hạng mục bảo vệ môi trường, để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường.

“Cần quán triệt quan điểm, không đánh đổi dự án đầu tư lấy những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Cần phải hoàn thiện chính sách đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, không tạo kẽ hỡ cho các dự án lợi dụng để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Đặc biệt, ông khẳng định kiến quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về môi trường, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động của dự án để khắc phục vi phạm môi trường hoặc cao hơn hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị/ Ảnh: Minh Trang- mpi.gov.vn

Hội nghị đặt ra nhiều vấn đề quan trọng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 30 năm đổi mới (1986-2016) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2010-2015), đất nước cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh quốc phòng, chăm lo nhiều hơn cho an sinh xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều công lao đóng góp cho các thành tựu này của đất nước trong thời gian qua cũng như trong 6 tháng đầu năm 2016.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hội nghị này không chỉ đánh giá công việc của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2016 mà còn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để ngành nhận thức dứt khoát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và các chương trình hành động, nghị quyết của Chính phủ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề của kinh tế-xã hội cần có câu trả lời.

“Vì sao chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng? Vì sao nước ta có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ “chưa giàu đã già” vì để lỡ thời cơ “dân số vàng”? Vì sao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của xã hội và doanh nghiệp còn hạn chế? Vì sao phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường? Vì sao đầu tư công không hiệu quả, hệ số Icor cao và nhiều dự án thất thoát lãng phí?…”, Phó Thủ tướng đặt ra một loạt câu hỏi và cho rằng những hạn chế này bắt nguồn từ chủ trương đầu tư và tổ chức thực hiện.

Để giải quyết những vấn đề trên, Phó Thủ tướng cho rằng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, nhưng ngành kế hoạch và đầu tư với tư cách là cơ quan tham mưu, tổng hợp của Chính phủ phải nhận thức thật rõ về vai trò và trách nhiệm của mình.

Cụ thể, ngành cần xem lại đã làm tốt chức năng tham mưu, tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước chưa? Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ đạo và Chính phủ có quy hoạch về 6 vùng kinh tế-xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng công việc còn rất ngổn ngang, quy hoạch chưa được xem xét, rà soát lại để điều chỉnh.

Phó Thủ tướng cũng nêu vấn đề lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và quan trọng hơn là giải pháp tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá phải được ngành quan tâm đúng mức. Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành KH&ĐT phải coi nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho Đảng, Nhà nước theo tín hiệu thị trường là nhiệm vụ số một.

Về nhiệm vụ tham mưu thể chế, chính sách quản lý chung và một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn ngành phải đổi mới tư duy hơn nữa, nhất là tư duy phát triển để giải quyết các nút thắt thể chế, góp phần quan trọng trong tham mưu phát triển kinh tế-xã hội.

Về quản lý đầu tư trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, dự án có công nghệ tốt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường xuất khẩu và bảo đảm thanh khoản ngoại tệ của quốc gia. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành là tăng cường huy động vốn đầu tư của toàn xã hội hiệu quả nhất, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành kế hoạch và đầu tư phối hợp với Bộ Nội vụ quan tâm sắp xếp bộ máy quản lý hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) khi mà mô hình này đang tồn tại nhiều yếu kém kéo dài, theo tinh thần không được tăng thêm biên chế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2016 thực hiện rà soát, phân công nhiệm vụ, cơ cấu lại các đơn vị của bộ và địa phương trên tinh thần rõ người, rõ việc, bảo đảm tính kết nối giữa các bộ phận, tăng cường đạo đức công vụ, chống nhũng nhiễu và thực hiện luân chuyển cán bộ.

Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ Đề án tổng thể tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 trong đó có cập nhật các vấn đề mới đặt ra; khẩn trương xây dựng kế hoạch đề án đầu tư công trung hạn, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kế hoạch tài chính trung hạn trình Quốc hội vào tháng 10/2016; tiếp tục đánh giá việc thực hiện kế hoạch năm 2016, khởi động lập kế hoạch cho năm 2017, coi kế hoạch là công cụ thực sự để phát triển kinh tế; khẩn trương hoàn thiện khung khổ 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu khác để có chất lượng cao nhất.

“Từ nay cuối năm, ngành kế hoạch và đầu tư tập trung thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát dựa trên tinh thần chỉ đạo của các Nghị quyết 19, 35 và 60 của Chính phủ; các kịch bản điều hành giá; có kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cho nông nghiệp tăng trưởng dương từ nay tới cuối năm”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ./.