Theo kết quả kiểm phiếu, có 483 trên tổng số 490 đại biểu tán thành bầu bà Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, đạt trên 97% (có 6 đại biểu không tán thành).

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trong lễ nhậm chức

Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV sáng nay 22/7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ:

“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Trong lời phát biểu ngay sau lời Tuyên thệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã phát biểu nhậm chức: “Tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV.

Với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao, trước đồng bào cử tri cả nước, trên cương vị là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tôi sẽ cùng với tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội và tất cả các Đại biểu Quốc hội khóa XIV phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.

Thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tôi sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để Quốc hội ta thực sự là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động, vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Cũng trong sáng nay, Ban Kiểm phiếu cũng đã công bố biên bản kiểm phiếu, với kết quả cụ thể như sau:

Kết quả bầu các Phó chủ tịch Quốc hội:

Ông Đỗ Bá Tỵ đạt 484 phiếu đồng ý, chiếm gần 98%, 6 không đồng ý.

Bà Tòng Thị Phóng đạt 482 phiếu đồng ý, chiếm 97%, 8 không đồng ý.

Ông Phùng Quốc Hiển đạt 480 phiếu đồng ý, chiếm 97%; 10 không đồng ý.

Ông Uông Chu Lưu đạt 478 phiếu đồng ý, chiếm hơn 96%; 11 không đồng ý.

Như vậy, các ông, bà trên đã được Quốc hội bầu giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội.

Kết quả bầu Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

Ông Hà Ngọc Chiến, được 487 phiếu đồng ý, hơn 98%.

Ông Trần Văn Tuý, được 484, hơn 97%.

Ông Võ Trọng Viêt, được 484 phiếu đồng ý, hơn 97%.

Ông Phan Xuân Dũng, được 479 phiếu đồng ý, hơn 96%.

Ông Nguyễn Đức Hải, được 479, hơn 96%.

Ông Phan Thanh Bình, được 475 phiếu đồng ý, hơn 96%.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, được 473, hơn 95%.

Ông Nguyễn Văn Giàu, được 473 phiếu đồng ý, hơn 95%.

Ông Nguyễn Khắc Định, được 463 phiếu đồng ý, hơn 93%.

Bà Nguyễn Thuý Anh, được 461 phiếu đồng ý, hơn 93%.

Bà Lê Thị Nga, được 452 phiếu đồng ý, hơn 91%.

Bà Nguyễn Thanh Hải, được 395 phiếu đồng ý, hơn 79%.

Ông Vũ Hồng Thanh, được 353 phiếu đồng ý, hơn 71%

Như vậy các ông bà nêu trên đã được bầu làm Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết công nhận kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên thường vụ Quốc hội được 480 đại biểu Quốc hội thông qua sau đó.

Tiểu sử của Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày sinh: 12/4/1954

- Quê quán: Xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

- Ngày vào Đảng: 09/12/1981 – Ngày chính thức: 09/12/1982

- Trình độ được đào tạo:

+ Giáo dục phổ thông: 12/12

+ Chuyên môn nghiệp vụ: Cử nhân chuyên ngành tài chính – ngân sách nhà nước

+ Học hàm, học vị: Thạc sĩ kinh tế

+ Lý luận Chính trị: Cử nhân chính trị

+ Ngoại ngữ: Tiếng Anh C

- Khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X, XI, XII

- Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.

- Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.

- Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV

- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 1991-1995.

Tóm tắt quá trình công tác

- Từ 8/1975-02/1976: Nhân viên Văn phòng Ban Kinh tài khu 8

- Từ 3/1976-7/1978: Giải thể Khu, chuyển về Văn phòng Ty Tài chính Bến Tre

- Từ 8/1978-6/1983: Cán bộ Phòng Tài vụ-Thu quốc doanh. Phó phòng Tài vụ - Thu quốc doanh (bổ nhiệm 6/1983)

- Từ 7/1983-4/1987: Phó phòng Tổ chức – Hành chính – Tổng hợp

- Từ 5/1987-9/1990: Phó giám đốc Sở Tài chính – Vật giá. Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan

- Từ 10/1990-9/1991: Quyền Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Bí thư Đảng ủy. Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Liên cơ. Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh

- Từ 10/1991-3/1995: Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Bí thư Đảng ủy. Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Liên cơ. Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh

- Từ 4/1995-3/2001: Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban cán sự Đảng: Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ (từ 1996 đến 2002), Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan kinh tế Trung ương (từ 1996-2002)

- Từ 4/2001-8/2002: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IX. Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ. Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan kinh tế Trung ương

- Từ 9/2002-2/2006: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IX. Bí thư tỉnh ủy Hải Dương

- Từ 3/2006-4/2006: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X. Thứ trưởng Bộ Tài chính

- Từ 5/2006-7/2007: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X. Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương mại

- Từ 8/2007-01/2011: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bí thư Ban Cán sự Đảng

- Từ 01/2011-7/2011: Bí thư Trung ương Đảng khóa XI. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bí thư Ban Cán sự Đảng

- Từ 07/2011-5/2013: Bí thư Trung ương Đảng khóa XI. Phó Chủ tịch Quốc hội

- Từ 5/2013-01/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Phó Chủ tịch Quốc hội

- Từ 01/2016- 31/3/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Phó Chủ tịch Quốc hội

- Từ 31/3/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Chủ tịch Quốc hội khóa XIII

- Từ 2007 đến nay: Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV.

-Ngày 22/7/2016: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội.