Hậu quả nặng nề về người và tài sản

Cơn bão số 1 đổ bộ vào đất liền bắt đầu từ ngày 27/07/2016 với sức gió giật mạnh cấp 11, cấp 12, duy trì trong thời gian dài, kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nặng về kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất tại các địa phương ven biển và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 27 đến sáng 28/7, trên địa bàn Thành phố xảy ra 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ làm 5 xe mô tô bị hư hỏng, 3 cây đổ chắn ngang đường sắt; 2 cột điện đổ và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố. Nhiều cây xanh cỡ lớn trên phố Phạm Hồng Thái, Hàng Bún, Đội Cấn (quận Ba Đình); Tuệ Tĩnh, Kim Ngưu, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông (Hai Bà Trưng); Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ (Đống Đa); Tràng Thi, Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm), Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), khu vực bờ sông Tô Lịch... bị gió mưa quật ngã.

Một chiếc ô tô bị cây đè trúng trúng trên phố Hai Bà Trưng - Hà Nội

Không chỉ ở thủ đô, các địa phương lân cận cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão. Ở Thái Bình, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, từ 0 giờ ngày 28/7 Tỉnh bị mất điện lưới, đến nay sự cố này chưa thể khắc phục. Mưa lớn và kéo dài đã khiến hơn 8.000 ha cây màu hè thu sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, 7.500ha cây ăn quả bao gồm chuối, dưa, nhãn hỏng hết; hơn 6.500ha thủy sản nước lợ, nước mặn cũng bị thiệt hại nghiêm trọng; hơn 3000 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị thiệt hại nặng nề; gần 100 lồng bè nuôi cá của bà con ngư dân bị trôi dạt và thiệt hại.

Gió giật mạnh, nhiều vườn cây, rau màu của người dân địa phương mất trắng

Ở Nam Định, Ninh Bình đều mất điện trên diện rộng nên chưa thể tiêu úng cho các vùng lúa bị ngập. Đặc biệt, tại Ninh Bình, hệ thống lưới điện trung áp 22KV và 10KV bị hư hỏng chưa khắc phục được, toàn Tỉnh bị mất điện; hàng nghìn nhà dân bị tốc mái; hàng chục nghìn cây lâu năm bị đổ, trên 34.000ha diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập, hàng nghìn ha hoa màu bị hư hại.

Có thể thấy, mặc dù các địa phương đã triển khai các phương án phòng chống, tuy nhiên khi bão số 1 đổ bộ đã gây thiệt hại tương đối nặng nề.

Tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai

Để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể đối với các bộ, địa phương. Cụ thể:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi tình hình ngập úng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 1, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các biện pháp tiêu thoát nước chống ngập úng bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo quy định.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục ngay sự cố lưới điện tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và thành phố Hải Phòng, bảo đảm nguồn điện vận hành các trạm bơm tiêu nước chống ngập úng, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin liên lạc tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 1, kịp thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông khắc phục nhanh các sự cố.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển và Đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả theo các quy định hiện hành.

Các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1314/CĐ-TTg, ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.