Không lùi bước trước khó khăn

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 (02/08), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, các thành viên thống nhất đánh giá, trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định; tỉ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp lớn đối với tăng trưởng công nghiệp…

Đặc biệt, sau khi tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, thì sản xuất nông nghiệp đã phục hồi, với điểm sáng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% (cùng kỳ giảm trên 7%). Có trên 64.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và 54,7% về vốn. Cũng rất đáng chú ý là giải ngân vốn đầu tư NSNN chuyển biến tích cực, nhờ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn rất hạn hẹp. Sức ép tăng giá còn lớn. Công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chế biến tăng thấp. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Trong phiên họp Chính phủ, trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2016:

Kịch bản một: GDP 6 tháng cuối năm tăng 6,83%, cả năm đạt 6,27%. Đây là mức tăng trưởng nền kinh tế hoàn toàn đạt được.

Kịch bản hai: GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,23%, cả năm đạt 6,5%. Đây là mức tăng trưởng có khả năng đạt được.

Kịch bản ba: GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,57%, cả năm đạt 6,7%. Đây là mức tăng trưởng khó đạt mà để đạt được, đòi hỏi sự nỗ lực, chỉ đạo kiên quyết, sát sao của các cấp, các ngành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nhiệm vụ còn lại đến cuối năm 2016 là vô cùng nặng nề, mục tiêu tăng trưởng đạt 6,7% là khó khăn, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là còn thời gian, còn cơ hội thì còn cố gắng, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trên tinh thần này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo kế hoạch; thu NSNN vượt dự toán ít nhất 10%, bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra (10%), quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế; giữ tỉ lệ bội chi ngân sách theo kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nợ công.

Đồng thời, bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra; các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đạt bằng mức của năm 2015; chú trọng phát triển thị trường trong nước. Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản theo đà tăng của tháng 7; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Tập trung chỉ đạo bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, vào lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải làm tốt, thực hiện nghiêm các nghị quyết phiên họp Chính phủ hàng tháng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm tình hình thực hiện. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp.

Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo quan điểm quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Chính phủ kiến tạo là dựa trên nền tảng thể chế, thượng tôn pháp luật, từ đó Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, lấy nền tảng là người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội.

Như vậy, tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, nói đi đôi với làm.

Các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý. Nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Thủ tướng chỉ rõ các Bộ trưởng, "tư lệnh ngành" là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian thích đáng, tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời phải tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin, chủ động thông tin, nhất là qua báo chí. Có thông tin là chủ động xử lý, không được để tình trạng Bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu.

Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc, một việc phân công một người, một đơn vị. Từ đó, rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công; hội họp, đi công tác trong và ngoài nước cũng phải thực hành tiết kiệm.

Sửa luật theo hướng cắt bỏ các rào cản, giấy phép con,

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận, cho ý kiến về hàng loạt dự án luật, pháp lệnh. Trong đó, đáng chú ý là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh và một số luật mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đây là những luật rất mới.

Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến hàng loạt luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở… Như vậy là một luật sửa nhiều luật, theo hướng cắt bỏ các rào cản, giấy phép con, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay dự kiến vào tháng 10. Thủ tướng nhấn mạnh, dự án Luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản ngay trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tinh thần là phải bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhà nước, nhưng quan trọng nhất là phải tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và phải quản lý theo quy luật thị trường.

Như vậy, các luật, văn bản dưới luật đều phải bảo đảm quản lý nhà nước nhưng phải tháo gỡ rào cản, lợi ích nhóm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển./.