Không "giữ bóng trong chân"

Ngày 25/8, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ đa ngành, tổng hợp, nên nhiệm vụ gì cũng liên quan, tần suất được mời tham dự các cuộc họp cũng khá lớn. Bộ trưởng Dũng chia sẻ: “Chúng tôi đã thử kiểm tra, tập hợp trong một tuần, có tuần tới 40 cuộc họp, còn trung bình là hơn 30 cuộc họp. Khó nhất là phân công các Thứ trưởng đi họp. Khó vô cùng khi cầm phân công đi họp xem người nào hợp với cơ quan nào, hợp với cuộc họp nào, ai đang đi công tác nước ngoài…”.


Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc, trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ rất lớn, cao hơn nhiều so với các bộ, cơ quan, địa phương khác. Số liệu thống kê mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho thấy, từ 01/01/2016 đến 22/08/2016, Bộ đã tiếp nhận và xử lý khối lượng rất lớn các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Số văn bản tiếp nhận lên tới trên 36.000, trên 9.000 văn bản xử lý đã được phát hành.

Cũng trong khoảng thời gian này, số nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 241 nhiệm vụ. Có 74 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 58 nhiệm vụ trong số đó hoàn thành quá hạn (chiếm hơn 78%). Còn 167 nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó nhiệm vụ trong hạn là 152 và 15 nhiệm vụ quá hạn (ít nhất một ngày và nhiều nhất lên tới 85 ngày).

Các nhiệm vụ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất đã thực hiện đều thể hiện tính nhất quán quan điểm đổi mới, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, thực hiện định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực phục vụ.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chậm tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do tập trung thực hiện gấp nhiều đề án, báo cáo lớn nên đã ảnh hưởng đến thời gian thực hiện. Một số nhiệm vụ có nội dung phức tạp, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp để đề xuất có chất lượng, hiệu quả dẫn đến tiến độ bị chậm trễ. Bên cạnh đó, do đơn vị chủ trì, chuyên viên của Bộ được giao theo dõi chịu trách nhiệm chưa tích cực, chủ động trong nghiên cứu, đề xuất kịp thời phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan…


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận, công việc có những vấn đề chậm và bản thân ông rất sốt ruột: “Nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ hoàn thành chậm, bản thân tôi cũng rất sốt ruột. Chủ yếu là cách làm việc chưa khoa học, phối hợp công việc chưa tốt nên có nhiều vấn đề bị ách lại”.

Người đứng đầu ngành kế hoạch cho hay, hàng tuần văn phòng Bộ có rà soát, đôn đốc nhưng có những đơn vị tích cực, có đơn vị lại chưa đạt yêu cầu, cũng có nơi có tư tưởng “giữ bóng trong chân”.

Bộ trưởng Dũng cho biết đã chỉ đạo rất quyết liệt: “Tôi đã yêu cầu các cục, vụ... không được "giữ bóng trong chân", không được đùn đẩy, cái gì thuộc trách nhiệm của mình phải khẩn trương giải quyết. Chúng ta làm thêm ngoài giờ một chút, làm thứ Bảy, Chủ nhật, và nhanh ban hành một văn bản, nhanh có ý kiến thì cả hệ thống chạy theo, làm lợi cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều”.

Chia sẻ những khó khăn khiến việc thực hiện một số nhiệm vụ chậm chễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vì mỗi sự việc có nhiều ý kiến khác nhau, cùng một sự việc nhưng bộ này nói khác, bộ kia nói khác cùng một vấn đề nên vừa làm vừa thuyết phục, vừa tranh luận. Nếu thiếu sự quyết liệt là buông ngay, bỏ lại nhiệm vụ ra đằng sau. Bộ trưởng Dũng thẳng thắn, nếu cái gì thuộc về phía Bộ thì nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần thì sẽ có kiểm điểm, còn cái gì thuộc về khách quan thì cũng mong được thông cảm, nhìn nhận tích cực.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị của Bộ có nhiệm vụ bị thực hiện chậm phải báo cáo lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ ngay những khó khăn. Nếu cần thiết thì xin lùi thời hạn, còn chậm trễ do có động cơ cá nhân sẽ xử lý đến nơi đến chốn.

Phải có sự chuyển động mạnh mẽ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ về công việc của Tổ công tác: “Đây là công việc rất mới, rất va chạm, bởi vì phải đôn đốc các việc". Song, vì đây là công việc chung để tạo dựng một Chính phủ kiến tạo nên phải thực hiện. Theo ông Dũng, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho rất nhiều, song thời hạn thực hiện nhiệm vụ quá hạn cũng rất nhiều, mà có những việc không thể ngồi đợi được.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao những việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt trong thời gian qua. Theo đó, trong những năm qua, Bộ đã nỗ lực đổi mới, như tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 1792 hay việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn là cuộc đấu tranh tư tưởng để thay đổi cả một hệ thống, cách làm, thay đổi cơ chế xin - cho để tạo chủ động cho các bộ ngành địa phương, giảm bớt phiền hà, co kéo không cần thiết.

Về thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cố gắng hoàn thành, song cũng phải nhìn nhận khiếm khuyết phần lớn là hoàn thành nhiệm vụ quá thời hạn.

Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết 15 nhiệm vụ quá hạn thì các vụ của Bộ phải làm rõ, do khách quan và chủ quan như thế nào, không báo cáo kiểu bao biện bởi sẽ không làm rõ được trách nhiệm để cải thiện tình hình. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo, đề xuất với Văn phòng Chính phủ để có hướng giải quyết, không để tồn đọng, quá hạn.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ cần có giải pháp chủ động rà soát lại quy trình làm việc, tránh sự chậm trễ. Yêu cầu đặt ra là cần thực sự có sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, quyết liệt phân cấp thay vì cơ chế xin - cho vì nếu phân cấp tốt, với cơ chế kiểm tra tốt sẽ giúp loại bỏ được rào cản giấy phép con hiện nay.


Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiễn Dũng phát biết

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ rất nhiều nhưng vì thực tế nên cần phải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Mỗi Bộ trưởng, tổng tư lệnh ngành cố gắng thì cả bộ máy, đội hình sẽ vận hành trơn tru, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân phát triển".

Theo ông Dũng, vì một Chính phủ hành động như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, thì nếu các thành viên Chính phủ đều cố gắng thì Chính phủ sẽ hoạt động tốt hơn.

Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo trên nền tảng thượng tôn pháp luật, lấy mục tiêu người dân, doanh nghiệp thay vì quản lý hành chính cứng nhắc, vì thế lấy thước đo hiệu quả để thấy được sự chuyển động là chuẩn xác nhất.

Tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đó là tập trung nhân lực, thời gian để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm những nhiệm vụ còn tồn đọng, quá hạn; nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan; giữa đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng tham mưu về cơ chế, chính sách vĩ mô…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Quy chế làm việc mới, trong đó quy định rõ quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc./.