Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7965/VPCP-QHQT truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đánh giá Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) 2013-2015, chuẩn bị Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016.

Tại văn bản này, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thời gian, nội dung, thành phần tham dự VDF. Trong đó, chủ đề của VDF 2016 là: Chính phủ kiến tạo và hành động – động lực mới cho phát triển.

Thực tế, từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đối thoại chính sách cấp cao với các đối tác phát triển hằng năm dưới tên gọi là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG).

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện cộng đồng ngoại giao ở Việt Nam, trưởng đại diện các cơ quan phát triển song phương và tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện của khu vực tư nhân cùng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và đại diện cấp cao của Chính phủ Việt Nam nhằm đối thoại cấp cao về các vấn đề chính sách có tính chất liên ngành, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chia sẻ ý tưởng về những thách thức, chính sách chủ yếu đang đặt ra đối với Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ thực hiện khảo sát, đánh giá VDPF năm 2013-2015.

Đây là cơ sở để xác định những định hướng tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Diễn đàn, đồng thời điều chỉnh hành động, định hướng tiếp theo để tối đa hóa hiệu quả đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển trong tương lai.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhìn nhận VDPF như một hoạt động cấp cao nhất ở Việt Nam để trao đổi quan điểm giữa Chính phủ với các đối tác về những vấn đề chính sách quan trọng mà đất nước phải đối mặt; Là cơ hội đưa ra đường lối, chính sách của Việt Nam và lắng nghe ý kiến phản biện, đóng góp của các đối tác phát triển; Đây cũng là phương tiện để thúc đẩy đối thoại mở cấp cao đa chiều về các vấn đề chính sách liên quan tới nhiều lĩnh vực rộng lớn, chia sẻ những kinh nghiệm và những giải pháp có thể để vượt qua những thách thức để Việt Nam tự điều chỉnh chính sách của mình.

Những ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển trên thực tế đã tác động tới tư duy, chính sách của Việt Nam, đưa ra những chính sách tốt hơn, hài hòa với khu vực, quốc tế và mang tính cạnh tranh cao hơn; Chính phủ Việt Nam sử dụng VDPF như một kênh thông tin giúp đối tác phát triển có cái nhìn tổng thể về Việt Nam để có sự hỗ trợ phù hợp hơn, để những hỗ trợ của các đối tác phát triển gắn kết với nhau hơn, tạo thành chuỗi, tác động tốt hơn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Diễn đàn còn là nơi Chính phủ Việt Nam học tập, tham khảo ý kiến của các quốc gia, đối tác phát triển, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình, góp phần minh bạch hơn. VDPF hỗ trợ quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.

Bên cạnh đó, VDPF cung cấp cơ hội cho các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ chia sẻ các ý tưởng và đề xuất với Chính phủ Việt Nam về những sửa đổi có thể một cách kịp thời trong quá trình phản hồi chính sách đối với các vấn đề liên quan tới những nội dung kinh tế và xã hội, những thách thức phát triển tổng thể đối với Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất từ năm 2016, Diễn đàn sẽ có tên gọi mới là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) thay cho tên cũ là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF)./.