Gạt nỗi “sợ” tự chủ

Đánh giá về thực trạng giáo dục đại học hiện nay, tại hội thảo: “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đồng tổ chức, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng nhiều chỉ số cho thấy giáo dục đại học “có vấn đề”. Điển hình là số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, trong đó có nguyên nhân chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Về nghiên cứu khoa học, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI, 20.000 tạp chí Scorpus thì không có một tạp chí nào thuộc một trường đại học của Việt Nam. Cùng với đó mô hình sáng tạo quốc gia hiện nay khiến các trường đại học đứng ngoài các chương trình nghiên cứu khoa học.

Hiện, nhiều trường đại học quan niệm tự chủ đại học là phải tự chủ về tài chính, sẽ không còn được nhà nước cấp kinh phí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, các trường cần loại bỏ “nỗi sợ tự” chủ kiểu như thế. Phó thủ tướng khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư, mà là sẽ thay đổi các đầu tư. Phó Thủ tướng nêu thực tế ở những quốc gia như Đức, Pháp, trường đại học tự chủ rất nhiều nhưng ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí. Mặt khác, việc nâng học phí để nâng chất lượng đào tạo đại học nhằm thu hút người học có khả năng chi trả và kết hợp với ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho sinh viên nghèo, con em nông dân, đối tượng chính sách... không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của các em.

Do nhận thức chưa đúng về mô hình nên nhiều trường còn “sợ” tự chủ

Việc tiến hành áp dụng mô hình tự chủ sẽ là xu thế chung. Những trường đại học tự chủ hiện nay được nhiều lợi ích vì nắm nhiều quyền mà vẫn được Nhà nước đầu tư kinh phí. Mục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương”.

đích của chính sách trao quyền tự cho cho đại học là để các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

“Gỡ vướng” mô hình hội đồng quản trị

Hiện nay, cả nước ta có 14 trường đại học được trao quyền tự chủ, nhưng theo Phó thủ tướng, các trường này thực hiện chưa hiệu quả. Để tăng quyền tự chủ, bỏ dần cách quản lý hành chính của cơ quan chủ quản, các trường phải chuyển đổi từ mô hình quản trị hành chính một hiệu trưởng sang mô hình quản trị cá nhân kết hợp với tập thể. Tuy nhiên, thời gian qua, hội đồng trường chưa phát huy vai trò, quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng, tính dân chủ chưa cao.

Phó thủ tướng cho rằng các trường có thể cân đối giữa học phí và nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo chất lượng đầu ra; phải có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận đại học của các em. Trường nâng học phí nhưng đồng thời phải tăng suất học bổng để tránh làm các em sợ hãi, không dám thi vì không có tiền đóng học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, Bộ xem tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học. Các trường đại học phải coi tự chủ là thuộc tính của mình và sẽ phải tự chủ toàn diện, từ đào tạo, mở ngành cho đến khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nhân sự. Ông Ga nhấn mạnh sắp tới việc tự chủ không còn là khuyến khích mà tất cả trường sẽ phải làm.

Với tinh thần đó, việc tự chủ sẽ giúp các trường nắm giữ nhiều quyền hơn như quyền quyết định mức học phí hay tuyển dụng nhân sự. Tất nhiên, các trường phải dùng quyền đó để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Cần lưu ý, việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam không nên “copy” kinh nghiệm của bên ngoài bởi phải tính đến đặc thù nhưng cũng không thể lấy đặc thù đó để át đi, che đi xu thế tất yếu của thế giới, của thời đại, trong đó dễ thấy nhất là xu thế tự chủ. Môi trường đại học đòi hỏi sự khai phóng, sáng tạo và những người tham gia quản trị đại học là người có trình độ, có hiểu biết, mặt bằng hiểu biết tương đối cao và đồng nhất. Đặc biệt, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình xã hội.

Bày tỏ quan điểm về tự chủ đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tự chủ đại học được thể hiện ở 3 nhóm nội dung là: Học thuật, Tổ chức – Nhân sự và Tài chính. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học cần thống nhất về nhận thức 5 vấn đề: Thứ nhất, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Thứ hai, Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao; Thứ ba, Quyền tự chủ của nhà trường phải trao cho Hội đồng trường chứ không phải hiệu trưởng; Thứ tư, từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả; Thứ năm, Trao quyền tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành cần tháo gỡ từng bước, tiến tới bỏ toàn bộ các quy định quản lý Nhà nước không cần thiết đối với các trường đại học, đối với một nền giáo dục tiên tiến. Vấn đề vướng mắc rất lớn đối với tự chủ đại học là mô hình quản trị đại học. Thực tế thời gian qua, hội đồng trường trong các trường công lập chưa phát huy được vai trò đúng nghĩa, quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng. Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo nghị định của Chính phủ về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đối với khối đại học sẽ đặt hội đồng trường là cơ quan quản lý cao nhất, toàn quyền lựa chọn Hiệu trưởng, Hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường./.