Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.

Như vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đề ra. Tỷ lệ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 6%/năm.

Ban Chỉ đạo cũng cho biết, qua tổng hợp kết quả điều tra của các địa phương, cả nước có 2.338.569 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo thu nhập khoảng 8,28%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 1,6%) và có 1.235.784 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%; Tổng số hộ nghèo trên địa bàn 64 huyện nghèo là 371.990 hộ (chiếm tỷ lệ 50,43%).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, người dân đã đóng góp tích cực vào kết quả xóa đói giảm nghèo thời gian qua, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới(WB) đối với công tác này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Cả nước có đến 41 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp. Chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo. Còn có tình trạng thu quá mức đối với người nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

“Nhất là việc xác nhận hộ nghèo còn chưa chính xác, còn tình trạng xác nhận nghèo luân phiên ở một số địa phương. Cũng có nơi “kê khai nhầm chỗ”, cán bộ có thu nhập mà lại kê khai là nghèo”, Thủ tướng nêu rõ.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó đã nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2016- 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm với nhiệm vụ đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều này đòi hỏi phải đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất. Với tinh thần quyết tâm như vậy, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: 'Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo, quan tâm đến người nghèo, đồng thời tuyên truyền nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, cần cù, vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người dân, địa phương. Đây là 2 vấn đề đi liền với nhau, chứ không chỉ hỗ trợ. Thủ tướng cũng cho rằng gốc của vấn đề là nâng cao dân trí, năng lực cho người dân để thoát nghèo bền vững, chứ không chỉ lo cái ăn, cái mặc trước mắt, tinh thần là “cho cần câu chứ không cho con cá”.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và dành nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo. Cần đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Thủ tướng nhấn mạnh, dù làm dự án gì cũng phải tính đến môi trường, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, dẫn đến tái nghèo.

Củng cố hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp tỉnh theo Nghị quyết 100/2015 của Quốc hội với tinh thần hiệu quả, thiết thực, không làm tăng biên chế. Huy động mọi nguồn lực xã hội cho chương trình như từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vốn ODA, vận động quần chúng, tổ chức, đoàn thể./.