Sáng 3/11, Hội nghị Kinh tế Đối ngoại: Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 với chủ đề “Ra khơi thuận buồn xuôi gió” đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Mở đầu Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh về những thành tựu sau 30 năm đổi mới của Việt Nam. Từ một nước nghèo kém phát triển, chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế bao cấp kéo dài, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền nền kinh tế thị trường với thu nhập trung bình.

Năm 2015, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt khoảng 2.100 USD; Chính trị - Kinh tế -Xã hội luôn được giữ vững, ổn định.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) dự và tham gia thảo luận tại diễn đàn

Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ đưa ra những chính sách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong khuôn khổ luật pháp cho phép, để DN và người dân phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp chung vào phát triển kinh tế đất nước. Kiến tạo là Chính phủ tạo sân chơi chung, mà trong đó tất cả người dân và DN đều bình đẳng và Chính phủ minh bạch trong chính sách của mình, để không có vấn đề xin-cho.

Về tiến trình cổ phần hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những mục tiêu của quá trình đổi mới kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong quá trình đổi mới, nhưng quyết tâm của Chính phủ là đẩy nhanh tiến trình này, đặc biệt là những DN có số vốn đầu tư lớn của Nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chủ trương tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và sẽ chú trọng hơn về phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường. Chính phủ khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, sử dụng công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây nền kinh tế của Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, sử dụng nhiều vốn. Ngày nay, những nhân tố này không còn phát huy tác dụng như trước, do đó, Chính phủ chủ trương chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ, kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều sâu và chiều rộng.

Về những biện pháp của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã có nhiều chính sách tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó quan trọng nhất là đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Chính sách miễn giảm visa cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy, nhưng đó không phải là tất cả. Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương với 11 nước, mới đây nhất là với 5 nước châu Âu.

"Chúng tôi mong muốn không chỉ là đơn phương, mà cần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhưng đồng thời người Việt Nam cũng phải được hưởng quyền lợi như vậy khi sang các nước khác. Đó mới là đối xử công bằng, chứ không phải là một chiều", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ sớm phê chuẩn TPP, đồng thời khẳng định Việt Nam đang trong quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định này. Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước thành viên, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu không được thông qua, đương nhiên thiệt hại thuộc về các nước thành viên, bởi các nước đều đã dành nhiều công sức, nhiều thời gian để xây dựng một Hiệp định tiêu chuẩn cao này.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ có TPP, Việt Nam còn ký kết một loạt FTA với các đối tác.

Dự kiến đến năm 2020, khi toàn bộ 16 FTA nước ta tham gia đi vào thực thi, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15/20 nước thuộc Nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của liên kinh tế này mang lại.

Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội nghị năm nay là cơ hội tốt để truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy đổi mới, sáng tạo như đã được thể hiện trong các nghị quyết của Chính phủ từ đầu năm 2016 đến nay về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, triển vọng phát triển và môi trường đầu tư của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, là điểm giao thoa của nhiều liên kết kinh tế khu vực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu...

Hội nghị cũng là diễn đàn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế để quảng bá tiềm năng, lợi thế trong những lĩnh vực quan tâm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, mạng lưới đối tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu, du lịch, thu hút đầu tư và công nghệ.

Hội nghị Kinh tế Đối ngoại – Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 gồm 8 phiên nghị sự về Định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu và các phiên chiến lược về tiêu dùng, tương lai ngành chế tạo, sản xuất gạo của Việt Nam, phát triển công nghiệp Việt Nam… Hội nghị nhằm truyền tải thông điệp quyết tâm của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về đổi mới toàn diện, cải cách mạnh mẽ kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Đồng thời trực tiếp tiếp thu những phản hồi về chính sách phát triển kinh tế từ các tập đoàn xuyên quốc gia và cộng đồng quốc tế…/.