Phát biểu khai mạc Hội nghị bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, tại Việt Nam, nạn buôn bán trái pháp luật các loại động vật, thực vật hoang dã chưa được ngăn chặn. Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh ngăn tội phạm trong lĩnh vực này.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài sinh vật trong tự nhiên. Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước liên hợp quốc về đa dạng sinh học; Công ước về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Việt Nam ưu tiên thành lập các lực lượng chuyên trách thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này như: Kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường...

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đa dạng, bảo tồn sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, như việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên và tăng trưởng kinh tế; việc thay đổi nhận thức và sinh kế của một bộ phận dân cư phải sống dựa vào sự đa dạng tài nguyên sinh học; việc thay đổi nhu cầu và thói quen tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã; việc nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế ... cũng có những hạn chế nhất định.

Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị

“Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài thực, động vật hoang dã không còn nằm trong khuôn khổ quốc gia mà đã ở quy mô toàn cầu, có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt là hiện tượng buôn bán ngà voi, tê tê, sừng tê giác, các loài mèo lớn… với sự tham gia của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế, đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài nguy cấp, gây bất ổn anh ninh, xã hội”, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Hoàng tử William, Vương quốc Anh cho rằng, cần có ý kiến, hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ các loài sinh vật trong tự nhiên.

Theo Hoàng tử William, trên thế giới, các nước đang đi đúng hướng nhưng chưa đủ nhanh để xử lý khủng hoảng. Tê giác, voi, tê tê vẫn đang bị giết với số lượng "khủng khiếp". Chỉ trong vòng 7 năm, lượng voi châu Phi giảm 30%. Nhu cầu của những người mới mong muốn sử dụng sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác gia tăng, trong khi tội phạm có tổ chức trở nên tinh vi hơn.

“Nhiều người hỏi, tại sao lại có tình trạng khủng hoảng, đe dọa sự tuyệt chủng các loài động vật hoang dã? Đó là do còn tồn tại hành vi buôn bán, sử dụng trái pháp luật các động vật này. Đây là hành vi vô cùng nghiêm trọng và phải chấm dứt. Mọi người cần nhận thức rõ, động vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng và chính nhu cầu sử dụng là động lực cho việc buôn bán trái phép”, Hoàng tử William cho biết thêm.

Để bảo vệ hiệu quả các loài động vật, thực vật hoang dã, Phó Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã là vấn đề toàn cầu. Để bảo vệ hiệu quả các loài động, thực vật hoang dã cần chú trọng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực thi pháp luật; xóa bỏ thị trường tiêu thụ bất hợp pháp; thực hiện các chiến dịch giảm và không còn tiêu dùng động, thực vật hoang dã trái phép; phát triển sinh kế bền vững cho những cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên và tăng cường hợp tác, điều phối quốc tế.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc xử lý vấn đề buôn bán trái phép các loài hoang dã không thể sử dụng biện pháp đơn lẻ mà cần phải có hành động phối hợp trên mọi phương diện nhằm đối phó với mọi thành phần của chuỗi cung ứng trái pháp luật tại nơi cung cấp, trung chuyển và tiêu thụ.

“Hợp tác quốc tế đóng vai trò thiết yếu, cùng với hành động thực thi thiết thực của các Chính phủ trong các cơ chế song phương, đa phương và khu vực cho từng lĩnh vực hành động về thực thi pháp luật, giảm nhu cầu sử dụng; sử dụng bền vững và phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh thêm./.