Ngày càng “nở rộ”

Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát Giao thông TP. Hà Nội, các khu vực đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, phố Cổ, hồ Hoàn Kiếm, ga Hà Nội; các tuyến đường qua các bến xe Lương Yên, Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa; một số tuyến đường vành đai và hướng tâm, như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Láng, Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… là những tuyến đường đang có xe khách hợp đồng “trá hình” (loại xe hợp đồng vận chuyển khách cố định nhằm trốn thuế) hoạt động nhiều nhất.

Xe khách "trá hình" đang xuất hiện ngày càng nhiều

Trong khi đó, khảo sát của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn Thành phố hiện tồn tại 85 điểm kinh doanh vận tải khách, đón trả khách, như: bến xe trá hình tập trung nhiều nhất dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Chí (Quận 6) Thành Thái, Lê Hồng Phong (Quận 10) Phú Hữu, Trần Chánh chiếu (Quận 5). Các điểm này núp bóng dưới hình thức hoạt động theo giấy phép làm bãi đậu xe, giữ xe, chi nhánh, văn phòng doanh nghiệp vận tải. Chưa kể các “bến cóc” hoạt động chui khác nếu tính thì con số này còn tăng thêm nhiều. Hiện Sở Giao thông Vận tải chưa có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu chấm dứt tình trạng bến lậu, xe dù này.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản, nên xuất hiện nhiều xe hợp do quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình này còn đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải dễ dàng hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải; lợi dụng vận tải hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các “bến cóc” ở bệnh viện, trường học, dọc các tuyến quốc lộ, gây ra tình trạng tranh giành khách làm mất trật tự (Văn Duẩn, 2016).

Sửa đổi cơ chế, chính sách

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách”do Báo Giao thông phối hợp với Ban An toàn Giao thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/05/2016, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ (trong đó có vận tải hành khách bằng xe ô tô) cơ bản là đầy đủ nhưng có những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Vì vậy, cần điều chỉnh Nghị định 86/ 2014/NĐ-CP, ngày 10/09/2014 của Bộ Giao thông Vận tải về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, bỏ ràng buộc tần suất chạy xe phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời ông Ngọc cho rằng, nên trở lại tinh thần Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT, ngày 26/03/2007 ban hành "quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô", nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và bỏ cơ chế xin – cho để tránh tiêu cực, tạo điều kiện cho xe hợp đồng trá hình và xe du lịch trá hình vào bến hoạt động.

Đồng thời, cấm các doanh nghiệp vận tải xe khách hợp đồng, xe du lịch, các cá nhân, tổ chức thu gom khách lẻ, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, bổ sung Nghị định 71/2012/NĐ-CP, ngày 19/09/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 02/04/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo hướng tăng mức phạt “xe khách trá hình”, “bến xe lậu”.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nghị định 86 cần quy định rõ đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm cố định. Đồng thời, bổ sung quy định xe hợp đồng được phép sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời có thể quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe trung chuyển để quản lý chặt chẽ các phương tiện này. Thời gian cấp phù hiệu xe hợp đồng cũng được rút xuống một năm so với 7 năm như hiện nay (Trần Duy, 2017).

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Quốc gia cho rằng, không thể suốt ngày tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra được mà phải dùng công nghệ thông tin, đây chính là cơ sở để doanh nghiệp cũng phải áp dụng.

“Đến nay việc triển khai điện tử hóa để quản lý, giám sát các doanh nghiệp vẫn chưa hình thành. Hay bản đồ số đến giờ này chưa xây dựng xong, Tổng cục Đường bộ không cách nào giám sát doanh nghiệp về tốc độ, hay doanh nghiệp không cách nào giám sát lái xe của mình có vi phạm không”, ông Hùng dẫn chứng những hạn chế trong việc xây dựng các công cụ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý vận tải hành khách (MQ, 2016).

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt đối với các xe và nhà xe vi phạm để bảo đảm đủ sức răn đe. Quy định hiện hành là thu hồi phù hiệu từ 1-3 tháng, khoảng thời gian dao động tương đối lớn này rất dễ sinh ra tiêu cực và không đủ sức răn đe các nhà xe vi phạm. Trường hợp đã bị thu hồi phù hiệu mà xe vẫn hoạt động thì không cấp phù hiệu vĩnh viễn cho xe đó. Nhà xe đang có xe vi phạm bị thu hồi phù hiệu thì không được cấp phù hiệu mới cho xe mua thêm. Có như vậy mới đủ sức răn đe để các nhà xe không dám vi phạm.../.

Tham khảo từ:

1. Đặng Nhật (2016). Hà Nội đang bất lực với xe khách trá hình, truy cập từ http://cand.com.vn/Giao-thong/Kho-xu-ly-xe-khach-tra-hinh-404528/

2. Trần Duy (2017). Cách nào ngăn chặn xe khách trá hình, né thuế đang nở rộ?, truy cập từ http://www.baogiaothong.vn/cach-nao-ngan-chan-xe-khach-tra-hinh-ne-thue-dang-no-ro-d182517.html

3. Nhóm PV (2016). Nở rộ xe khách trá hình, né thuế, truy cập từ, http://www.baogiaothong.vn/no-ro-xe-khach-tra-hinh-ne-thue-d182192.html

4. MQ (2016). Sửa luật để “xe dù, bến cóc” không còn đất sống, truy cập từ http://laodong.com.vn/kinh-te/sua-luat-de-xe-du-ben-coc-khong-con-dat-song-556200.bld

5. An Danh (2016). Ra quân kiểm tra, xử phạt 85 bến xe trá hình, truy cập từ plo.vn/an-ninh-trat-tu/ra-quan-kiem-tra-xu-phat-85-ben-xe-tra-hinh-674721.html

6. Văn Duẩn (2016). Lập lại trật tự kinh doanh vận tải, truy cập từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lap-lai-trat-tu-kinh-doanh-van-tai-20160710211652024.htm