Việt Nam là điểm cuối trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật, sau khi đến Philippines, Australia, Indonesia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

Quan hệ chính trị bền vững

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về phía lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 8 lần (Murayama 8/1994; Hashimoto 1/1997;Obuchi 12/1998; Koizumi 4/2002 và 10/2005 nhân dự cấp cao ASEM 5; Shinzo Abe 11/2006 và 1/2013; Naoto Kan 10/2010); Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012; Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009. Nước ta đã nhiều lần mời Nhà Vua và thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm Việt Nam.

Về phía lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản: Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm chính thức tháng 4/1995 (Nhật Bản là nước đầu tiên trong các nước G-7, Tổng Bí thư thăm chính thức); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức tháng 10/2002, 4/2009; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức 9/2015; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp nhà nước tháng 11/2007; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tháng 3/2014; Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức tháng 4/1993; Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức tháng 4/1999 và sau đó thăm làm việc tháng 6/2001, 4/2003, 12/2003, 6/2004 và ghé thăm Nhật tháng 7/2005; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức tháng 10/2006 và 10/2011, thăm chính thức và dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản, Mê Công-Nhật Bản tháng 12/2013, thăm làm việc tháng 5/2009, dự Hội nghị cấp cao Mê Công-Nhật Bản 11/2009, 4/2012 và 7/2015; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản (5/2016). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức 3/2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức 12/2012.

Bên cạnh đó, hai nước còn xây dựng một số cơ chế đối thoại, bao gồm: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013).

Về vấn đề Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC; phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Hợp tác sâu rộng về kinh tế

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư tháng 12/2004, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) tháng 10/2009... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước; cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Cụ thể:

Trong lĩnh vực thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Năm 2015, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 28,526 tỷ USD (tăng 3,3% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD (giảm 4%), nhập khẩu đạt 14,426 tỷ USD (tăng 11,6%). Nguyên nhân xuất khẩu sang Nhật giảm do sự sụt giảm giá của nhóm nhiên liệu khoáng sản, đặc biệt là dầu thô.

11 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 26,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,21 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015), nhập khẩu đạt 13,6 tỷ USD (tăng 3,3%).

Trong lĩnh vực đầu tư, lũy kế tính đến ngày 20/11/2016, Nhật Bản có 3.242 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,016 tỷ USD, đứng 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc).

Đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh dịch vụ tại Việt Nam ngày càng tăng

11 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản có 296 dự án cấp mới, 195 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hai bên hoàn thành báo cáo kết thúc Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 5 và bắt đầu triển khai giai đoạn 6 từ tháng 8/2016.

Đối với viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015 (31/3/2016), Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD (theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA cho Việt Nam.

Trong năm tài khóa 2015, Nhật Bản cam kết vốn vay ODA cho Việt Nam hơn 310,08 tỷ Yên (khoảng 2,5 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA của Việt Nam (không kể các khoản vay chương trình hỗ trợ ngân sách) đạt 22%, tương đương 147 tỷ Yên, đứng thứ 2 (sau Ấn Độ) trong số các nước sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản.

Hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác

Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá từ năm 2014 trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2015).

Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Abe đã công bố hỗ trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn.

Về hợp tác lao động, Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng hơn 45.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA tháng 10/2011), đợt đầu tiên gồm 138 y tá và điều dưỡng viên, đợt 2 (tháng 5/2015) gồm 137 người đã sang Nhật Bản.

Trong lĩnh vực giáo dục, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay là 38.882 người (đến 4/2016). Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 04 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội); đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về du lịch, năm 2016, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 740.592 lượt, tăng 10,3% so với năm 2014, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Số khách du lịch Việt Nam vào Nhật Bản năm 2015 là 185.400 lượt người; 11 tháng năm 2016 đạt 220.700 lượt người, tăng 26,1%.

Có thể thấy, chuyến công du của Thủ tướng Abe diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực khó đoán định liên quan những cam kết của chính quyền sắp tới ở Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donlad Trump nhậm chức ngày 20/1 tới.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Abe sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau đó dự kiến sẽ có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Abe nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.../.