Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình

Trong cuộc họp báo chiều 9/2, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc BOC mở chi nhánh bất hợp pháp Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của nước ngoài trong khu vực này không có sự cho phép của Việt Nam đều không hợp pháp và không thể thay đổi thực tế rằng, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền với khu vực này”.

Trước đó, ngày 6/2, Trung Quốc đã khai trương trái phép chi nhánh của BOC tại cái gọi là thành phố Tam Sa. Cái gọi là thành phố Tam Sa (đơn vị hành chính bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng bãi ngầm Macclesfield trên Biển Đông) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 07/2012, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Bí thư Đảng ủy BOC Vương Hi Toàn ngang ngược tuyên bố, BOC sẵn sàng tiếp tục phát huy ưu thế quốc tế hóa, đa nguyên hóa, chuyên môn hóa, thúc đẩy toàn diện hợp tác với cái gọi là thành phố Tam Sa, cung cấp nguồn vốn và hỗ trợ chất xám nhiều hơn cho việc xây dựng Tam Sa.

Theo ông Vương Hi Toàn, BOC chi nhánh Tam Sa được thành lập một năm trước và là cơ quan tài chính đầu tiên sau khi thành lập Tam Sa. Và trong một năm qua, BOC đã phát hành trái phép thẻ tín dụng IC Tam Sa Trường Thành, quyên góp 1,25 triệu Nhân dân tệ cho cái gọi là thành phố Tam Sa.

Chi nhánh bất hợp pháp Tam Sa chỉ là một trong những cơ sở vật chất hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự của mình trên Biển Đông, mặc dù Trung Quốc luôn phủ nhận mưu đồ này.

Bằng chứng rõ ràng nhất là tại các Đá Chữ Thập, Đá Subi, Đá Vành Khăn đều thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3.000 m và các công trình quân sự kiên cố.

Hồi tháng 06/2016, chính quyền đảo Hải Nam còn khẳng định, tỉnh này sẽ vận hành các chuyến du lịch thường xuyên đến Quần đảo Trường Sa bắt đầu từ năm 2020. Trung Quốc cũng từng ngang ngược tuyên bố muốn thành lập khu du lịch tại Biển Đông theo kiểu quần đảo Malpes nổi tiếng.

Đáp lại, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp, trái với luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là việc thành lập và tiến hành các hoạt động liên quan đến cái gọi là thành phố Tam Sa./.