Theo báo cáo về bình đẳng giới trong chính sách hiện hành về lao động - việc làm, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ đảm bảo bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về mọi mặt, đồng thời phê chuẩn hàng loạt Công ước quốc tế về bình đẳng giới, như: Công ước Liên hợp quốc về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển vền vững và một số các Công ước cơ bản của ILO... Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam xây dựng và thực thi hệ thống luật pháp, chính sách quốc gia cũng như các chiến lược và chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới.

Tọa đàm: Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm

Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia xếp hạng, thứ 7 tại khu vực Châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Cụ thể, theo thứ hạng này, Việt Nam đứng thứ 33 trong lĩnh vực kinh tế, 84 trong lĩnh vực tham chính, 93 trong lĩnh vực giáo dục và 138 trong lĩnh vực y tế.

Để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm. Theo đó, dựa trên số liệu thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. trong năm 2016, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48% và đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là khu vực nông thôn cũng được chú trọng, ước có khoảng trên 46% lao động nữ được học nghề theo các đề án, chương trình. Đồng thời, Quỹ Quốc gia về việc việc làm cũng phát huy vai trò hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn.

Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 – 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – việc làm vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức: Bộ Luật lao động chỉ điều chỉnh khu vực có quan hệ lao động, trong khi ở khu vực này nữ giới chỉ chiếm 40,6%, nam giới chiếm 59,4%; Một số quy định phân biệt đối xử đối với nữ về quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xoá bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo, các nhóm lao động nữ trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội chưa công bằng, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ còn nhiều vướng mắc trong thực tế, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng (theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) và tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1.117.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp./.