Đây là một trong các nội dung được thảo luận sôi nổi tại chương trình Đối thoại Sự tham gia của trẻ em trong xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” được tổ chức ngày 16/03/2017.

Còn nhiều “lỗ hổng” về quyền tham gia của trẻ em

Theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam tham gia từ năm 1990 khẳng định trẻ em là con người có quyền thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến mình. Điều này đòi hỏi rằng những ý kiến của trẻ em cần phải được các bên liên quan lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận; Chia sẻ quan điểm trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách đảm bảo trẻ em đang thực thi nghĩa vụ công dân của mình và là một nhân tố đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Vẫn còn nhiều lỗ hổng, rào cản trong việc thực thi quyền trẻ em, khiến việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở nhiều nơi chưa thực chất

Tại Việt Nam, sự tham gia của trẻ em là một tiêu chí xuyên suốt trong Luật Trẻ em năm 2016 và được quy định cụ thể tại chương V “Trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1235/QĐ-TTg, ngày 03/08/2015 về “Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020” nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều lỗ hổng, rào cản trong việc thực thi quyền trẻ em, khiến việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở nhiều nơi chưa thực chất.

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững phân tích: Luật trẻ em năm 2016 hay các chương trình hành động quốc gia có những cam kết thúc về hành lang pháp lý để sự tham gia của trẻ em, tạo cho các em một môi trường an toàn để có thể biểu đạt. T

uy nhiên, trong thực hành vẫn thiếu sự tham gia thực sự của trẻ. Việc thực hành cho sự tham gia lên tiếng này một là không tồn tại, hai là các hình thức chưa hiệu quả. Đặc biệt là những vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây. Những nạn nhân, người chứng kiến đều không lên tiếng hoặc các em không được lắng nghe. Điển hình như vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), quyền của các em bị xâm phạm, bị chi phối, bị chỉ đạo. Như vậy, các em đã bị tước đi quyền của mình và thậm chí không được nói “không tham gia”.

Chưa kể, trên nhiều diễn đàn chúng ta lấy ý kiến xây dựng chính sách, trẻ em tham gia đọc những bài diễn văn mang tính chất của người lớn. Điều đó cho thấy từ gia đình, nhà trường, tới chính sách đang có lỗ hổng trong việc tham gia của trẻ em.

Bổ sung quan điểm, bà Nguyễn Hải Anh, Cán bộ Giám sát và đánh giá dự án Chấm dứt bạo lực trẻ em của tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho rằng, hiện tại trẻ em gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc thực thi quyền trẻ em khi tham gia xây dựng, hoạch định chính sách liên quan đến trẻ. Mặc dù, phần chính sách đã có nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là phần thực thi chưa tốt. Lý do khiến trong quá trình thực thi chưa tốt có thể do thiếu nguồn lực, kinh phí, con người, kỹ thuật khi áp dụng vào thực tiễn. Do đó, để thúc đẩy việc thực thi quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề chính sách, thời gian tới cần nhận diện vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo việc thực thi quyền tham gia của trẻ em thực chất hơn.

Phải tạo môi trường an toàn cho trẻ

Tại chương trình đối thoại, các diễn giả cho rằng để thúc đẩy trẻ em tham gia cần tạo được môi trường an toàn để trẻ cất tiếng nói của mình. Cần đặt trẻ vào trung tâm trong mọi hoạt động và đừng trói buộc trẻ em. Đồng thời, những ý kiến của trẻ em cần phải được các bên liên quan lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận.

Chính vì vậy, ngay trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng cần tạo ra môi trường an toàn để trẻ em có thể lên tiếng. Bởi các nạn nhân rất sợ, sự sợ hãi to lớn ảnh hưởng cả thể xác lẫn tinh thần. Nên người lớn cần đủ kiên nhẫn để lắng nghe, thấu hiểu, cho trẻ cảm giác an toàn để nói ra, không để các em cảm thấy bị đổ lỗi hay bị đe dọa.

Chị Dương Thùy Ly, đại diện Tổ chức Live and Learn chia sẻ thêm, để tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động, đặc biệt là những hoạch định chính sách liên quan đến trẻ thì cần hết sức lưu ý đến phương pháp và công cụ khi tiếp cận trẻ, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy trẻ tự nguyện tham gia nhiều hơn, đồng thời giúp trẻ có nhiều sang kiến, sáng tạo hơn, tham gia của trẻ tích cực, tự nguyện hơn khi người lớn đủ, đủ kiên nhẫn, đủ lắng nghe, đủ trao quyền cho trẻ.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho thấy, có 4 yếu tố để đảm bảo sự tham gia của trẻ em, gồm: không gian; tiếng nói giúp trẻ thể hiện quan điểm; công chúng/thính giả; tính ảnh hưởng giúp cho các ý kiến được ghi nhận.

Cụ thể, về yếu tố không gian, trẻ cần một không gian an toàn, hoà nhập để trẻ thể hiện quan điểm của mình; từ đó trẻ có thể bộc lộ bản thân một cách thoải, được nêu lên những quan điểm của mình.

Về tính ảnh hưởng, cần đảm bảo rằng, ý kiến, quan điểm của trẻ em được ghi nhận một cách nghiêm túc và đưa vào thực tiễn một cách hợp lý; những ý kiến của trẻ em cần được xem xét, ghi nhận một cách nghiêm túc bởi những người có khả năng tạo sự thay đổi. Thậm chí, cần có các quy trình đảm bảo rằng ý kiến của trẻ em nhận được phản hồi về lý do cho các quyết định được đưa ra không.

Còn về yếu tố tiếng nói, cần cung cấp thông tin thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em nêu lên ý kiến của mình; đảm bảo trẻ đã có nhận được những thông tin cần thiết để hình thành quan điểm của mình, hoăc trẻ cần biết rằng mình có nhất thiết phải tham gia hay không. Đặc biệt, trẻ cần biết có được lựa chọn những cách thức khác nhau thể hiện quan điểm của mình không..

Còn yếu tố thính giả, cần đảm bảo quan điểm của trẻ được lắng nghe bởi những người có trách nhiệm; trẻ em cần biết những ý kiến, quan điểm của mình được chia sẻ với ai, có người hoặc cơ quan lắng nghe đó có quyền ra quyết định không…

Cũng tại buổi đối thoại, các diễn giả đã chia sẻ nhiều mô hình đang được thực hiện trong thực tế nhằm thúc đẩy việc trẻ em có quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách như: Sự tham gia của trẻ em với biến đổi khí hậu, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, mô hình hội đồng tự quản trẻ em và câu lạc bộ trẻ em…

Hiện tại, sự tham gia của trẻ em đã được quy định trong pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để trẻ em tham gia nhiều và thực chất hơn thì cần quy định chi tiết hơn, có những hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng cũng như cán bộ nhà nước. Cần có sự chung tay của cả cộng đồng để tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Bởi đây không hẳn là trách nhiệm của mình Nhà nước, mà chính trong từng gia đình, môi trường sống xung quanh và cộng đồng tạo ra môi trường an toàn để trẻ em tham gia tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Phương Linh nhận định, mặc dù, sự thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, trước mắt cần chỉ ra những rào cản trong chính sách, trong nhà trường, xã hội để tìm ra các giải pháp của cho bên liên quan trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, từ đó việc thực thi sẽ tốt hơn./.