Cụ thể, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm những quy định mang tính chuẩn mực, góp phần định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.

Bộ quy tắc hướng đến du khách là người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; người nước ngoài đi du lịch Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.

Mới đây, Bộ Văn hóa vừa Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch quy mô toàn quốc

Bộ quy tắc gồm 2 chương, trong đó quy định những điều cần làm của từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như: khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp du lịch; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện vận chuyển khách du lịch; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, du lịch; cộng đồng dân cư.

Bộ Quy tắc nêu rõ, đối với du khách, thông điệp ứng xử là văn minh, tự trọng và trách nhiệm, thể hiện qua 20 hành vi. Trong đó, có việc phải xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không lấy đồ của người khác... Những việc như mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã... là ứng xử chưa đúng mực...

Với những người cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, bộ quy tắc cũng đưa một số quy tắc tương tự. Trong đó, có không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá, không bán hàng kém chất lượng, không sử dụng thương hiệu của người khác, không để người nước ngoài núp bóng kinh doanh, niêm yết giá...

Bộ quy tắc cũng đề ra một số khẩu hiệu tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch như: Nâng cao hình ảnh du khách Việt; du lịch có hiểu biết và có trách nhiệm; Việt Nam – Điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch…

Trên thực tế, việc Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch là một tín hiệu tốt cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn. Tuy nhiên, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn cần sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, người dân, du khách và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch…

Trước đó, đã có nhiều địa phương như Đà Nẵng, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh ... đã ban hành bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực. Riêng từ đầu năm 2016, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Việt và được minh họa bằng hình ảnh rất sinh động. Tiếp đó, Đà Nẵng đã phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Trung Quốc, phát đến tay du khách tại các khu điểm du lịch, sân bay, nhà ga, khách sạn. Đồng thời , bộ quy tắc này cũng được gửi đến các công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch trên địa bàn để phổ biến trực tiếp đến du khách, đối tác gửi khách quốc tế đến Việt Nam để du khách nắm được trước khi du lịch đến Đà Nẵng.

Còn gần đây nhất là TP. Hà Nội cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Bộ Quy tắc quy định các quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử tại 9 nơi công cộng cụ thể như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ôtô, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch. Bộ Quy tắc ứng xử định hướng cho các các cá nhân, tổ chức những việc “nên làm” và “không nên làm” mà không phải là những quy định bắt buộc./.