Theo Quy chế mới việc tiến hành tuyển sinh tiến sỹ có thể thực hiện từ 01 đến nhiều lần trong năm, đồng thời nâng cao những quy định về trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt, Quy chế mới quy định, Nghiên cứu sinh dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo. Dự kiến, Quy chế này có hiệu lực từ 18/05/2017, thay thế quy chế ban hành năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sỹ ở trong nước, tạo điều kiện hội nhập với đào tạo trình độ tiến sỹ của khu vực và thế giới; phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành; tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đào tạo tiến sỹ nhằm tạo lập niềm tin của xã hội, của nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động về chất lượng tiến sỹ sau khi tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế mới nhằm “Siết chặt” tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ

Theo đó, quy chế mới có cấu trúc ngắn gọn, là những quy định khung (quy định tối thiểu), trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo tiến sỹ phải xây dưng quy định chi tiết phù hợp với điều kiện của từng trường, với yêu cầu cụ thể của từng ngành đào tạo nhưng không được thấp hơn những quy định của quy chế này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống cũng như "danh tiếng, tên tuổi" của từng cơ sở đào tạo trong tuyển chọn, đào tạo và cấp bằng tiến sỹ.

Đáng chú ý, Quy chế mới này đã thay đổi những quy định về người dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên, người hướng dẫn, tuyển sinh, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sỹ, gia hạn, thẩm định và cấp bằng so với những quy định của các quy chế trước, tạo điều kiện cho việc quản lý và giám sát quá trình đào tạo của cơ sở đào tạo các các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo hướng cải cách hành chính, giảm nhiều thủ tục rườm rà, những quy định mang tính hình thức, giảm thiểu thủ tục hành chính theo Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 17/03/2016 phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sỹ của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh quy định thủ trưởng cơ sở đào tạo tiến sỹ được quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai) hay việc tuyển sinh tiến sỹ từ giờ có thể tổ chức từ 01 đến nhiều lần trong năm, quy chế mới đã nâng cao những quy định về trình độ ngoại ngữ, minh chứng về khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên và người hướng dẫn so với những quy định trước đây.

Ngoại ngữ đầu vào đạt chuẩn nhất định

Theo Quy chế này, ngoại ngữ được xác định là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ứng viên dự tuyển phải có trình độ ngoại ngữ đầu vào (đặc biệt là tiếng Anh) đạt chuẩn ở mức độ nhất định để đảm bảo có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu của nước ngoài trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và hoàn thiện luận án. Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc trong các tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.

Theo quy chế, mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 06-09 học phần trình độ tiến sỹ với khối lượng từ 14 đến 20 tín chỉ. Trong đó tiểu luận tổng quan và 02-03 chuyên đề tiến sỹ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định là những học phần bắt buộc. Đặc biệt, để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus. Nghiên cứu sinh cũng có thể công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Về tiêu chuẩn của giảng viên và người hướng dẫn, quy chế mới quy định giảng viên giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo tiến sỹ phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc đã và đang tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ trở lên; còn người hướng dẫn phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên. Minh chứng về nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn còn phải thể hiện ở việc họ là tác giả chính của các bài báo hoặc công trình công bố trong các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI -Scopus hoặc một chương sách tham khảo có mã số ISBN của các nhà xuất bản nước ngoài phát hành hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

Quy chế cũng quy định người hướng dẫn độc lập phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo. Mỗi nghiên cứu sinh sẽ có tối đa hai người hướng dẫn, trong đó ít nhất phải có một người là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tiêu chuẩn người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ cũng được quy định rõ trong trường hợp đồng hướng dẫn.

Phải có 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo

Tổng thời gian đào tạo tiến sỹ trong quy chế mới được quy định theo Luật giáo dục đại học, phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016, đảm bảo nghiên cứu sinh hoàn thiện được khối lượng học tập tối thiểu và chuẩn đầu ra đạt Bậc 8 của Khung trình độ quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 của Thủ tướng chính phủ. Việc tổ chức đào tạo tiến sỹ được triển khai theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có Quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

Để đảm bảo cho những cá nhân có mong muốn theo học ở trình độ tiến sỹ có thời gian chuẩn bị về chuyên môn và ngoại ngữ cũng như các cơ sở đào tạo tiến sỹ phải có hướng đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng (về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực) thực hiện những thay đổi nói trên, quy chế đào tạo tiến sỹ mới có điều khoản chuyển tiếp quy định lộ trình công bố quốc tế đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh theo hai giai đoạn: từ khi quy chế có hiệu lực đến hết 31/12/2018 và từ sau ngày 01/01/2019 cả đối với những nhóm ngành có tính hội nhập cao và với nhóm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kính tế, chính trị, văn hoá và xã hội đặc thù của Việt Nam./.