Thông tin này được công bố tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Ủy ban Dân tộc phối hợp Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc thực hiện vào ngày 26/04/2017 tại Hà Nội.

Năm 2016, Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc

Theo ông Richard Marshall, Cố vấn chính sách về giảm nghèo và bảo trợ xã hội, Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, dựa vào kết quả đo lường Chỉ số Phát triển con người (HDI) trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu của Liên hợp quốc 2016 cho thấy, dù tiến bộ trung bình về phát triển con người được cải thiện ở mọi khu vực trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015, nhưng 1/3 dân số thế giới vẫn tiếp tục sống với mức phát triển con người thấp.

Tiêu điểm tại Việt Nam, trong những năm gần đây Việt Nam có tiến bộ nhiều về Chỉ số phát triển con người (HDI), xu hướng đi lên. HDI tổng quát của Việt Nam tăng 1%, lên 0,683 và ở mức trung bình, xếp hạng 115/188 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm trước. Chỉ số này được cải thiện nhờ tăng trưởng GDP, chỉ số y tế ở mức cao trong khi chỉ số giáo dục tăng chậm hơn. Chỉ số Đo lường mức độ bất bình đẳng (IHDI) cũng tương đối tốt, chênh lệch 17,8% so với chỉ số HDI, tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hội thảo đã chỉ ra người dân tộc thiểu số và người di cư đang bị tụt hậu tại Việt Nam

Đáng chú ý, theo bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, cho biết trọng tâm của hội thảo ngày hôm nay trùng với chủ đề của Báo cáo Phát triển con người mới nhất của UNDP, đó là tập trung vào hai câu hỏi: “Ai bị bỏ lại phía sau và vì sao?”.

Theo đó, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain cho biết, trọng tâm của Hội thảo này trùng với chủ đề của Báo cáo phát triển con người mới nhất của UNDP, đó là tập trung vào hai câu hỏi: Ai bị bỏ lại phía sau và vì sao.

Nhóm dân tộc thiểu số và người di cư đang bị tụt hậu trong xã hội

Báo cáo cho thấy ở hầu hết các quốc gia, một số nhóm người phải đối mặt với những bất lợi vốn thường chồng chéo và củng cố lẫn nhau, từ đó làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, nới rộng khoảng cách phát triển qua nhiều thế hệ, và khiến họ khó bắt kịp sự chuyển động của thế giới.

Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái, người dân nông thôn, người bản địa, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư và người tị nạn, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) thuộc những nhóm đối tượng phải đối mặt với các rào cản mang tính hệ thống, không đơn thuần về mặt kinh tế, mà cả về chính trị, xã hội và văn hóa.

Đối với phụ nữ, nhóm đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất, báo cáo lưu ý, mặc dù tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu đang dần thu hẹp, nhưng các xu hướng loại trừ và hạn chế về quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn là một thách thức cấp bách. Báo cao cứu cho thấy, nhóm dân số sinh sống tại khu vực nông thôn cũng phải đối mặt với nhiều rào cản. Chẳng hạn, trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó khi đến trường thường có ít cơ hội được học đọc, học viết và làm toán hơn.

Theo ông Richard Marshall, hai nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Bất bình đẳng đối với dân tộc thiểu số là vấn đề dai dẳng, đã có cải thiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn. Trong khi nghèo về thu nhập của cả nước là 7% thì tỷ lệ này ở dân tộc thiểu số là 23%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công.

Thực tế, người di cư thường không nghèo về thu nhập, nhưng nghèo đa chiều và có sự chênh lệch lớn giữa người di cư và người dân địa phương. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ cơ cấu thể chế và các phương án chính sách.

Nhiều mảng màu tối trong bức tranh kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số

Theo TS. Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc cho biết, trong 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam có khoảng 13,4 triệu người. Gần 1/3 số hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, 7 dân tộc có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có những nhóm có tỉ lệ nghèo rất cao như Ơ Đu (66,3%), Co (65,7%).

Như vậy, nếu như mỗi năm giảm 4% tỉ lệ nghèo theo Quyết định 1557/QĐ-TTg thì có 3 dân tộc phải 20 năm, 14 dân tộc phải ít nhất 10 năm, 10 dân tộc ít nhất mất 7 năm mới thoát nghèo.

Tuy nhiên trong những mảng màu tối này, đáng quan ngại nhất là có tới 21,8% tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, viết tiếng phổ thông. Như vậy, nếu mỗi năm giảm 1,2% tỷ lệ xóa mù thì có dân tộc phải mất tới 25 năm mới xóa mù.

Để khắc phục được những hạn chế và tiếp tục phát triển dân tộc thiểu số ở Việt Nam, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc công khai thông tin khảo sát để các bên liên quan như các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và công chúng nói chung có thể tiếp cận và phân tích dữ liệu, từ đó hiểu rõ vì sao một số nhóm bị bỏ lại phía sau. "Chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân chính gây ra sự tụt hậu của nhóm dân tộc thiểu số, như thái độ, hành vi phân biệt đối xử khiến cho dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, không thể tham gia tích cực tại cộng đồng, trên thị trường và các hoạt động chính trị và kinh tế ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia. Những thông tin định tính và từ góc nhìn của người dân tộc thiểu số sẽ giúp Chính phủ xây dựng chính sách và chương trình hiệu quả hơn nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững”.

Bổ sung quan điểm, Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, để khắc phục thực trạng trên, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhằm tạo chuyển biến về kinh tế xã hội rõ rệt hơn trong phát triển kinh tế, văn hóa ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, sẽ xác định rõ hình thức, cơ chế để người dân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, đảm bảo các chính sách khả thi.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng nêu một số gợi ý về chính sách trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển các dân tộc thiểu số như: Luật hóa vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật quốc gia làm cơ sở thể chế hóa thành hệ thống chính sách; đổi mới cách tiếp cận và xây dựng chính sách cho vùng và dân tộc thiểu số đảm bảo yêu cầu khoa học và hiệu quả; thí điểm cơ chế Trung ương chỉ ban hành chính sách khung gắn với mục tiêu cụ thể cần đạt được và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện chính sách để phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và phù hợp, hiệu quả của các chính sách./.