Sốt xuất huyết đang gia tăng

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, những tháng đầu năm 2017 các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước có sự gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đắk Lắk...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thông tin, trong toàn quốc vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Đáng chú ý, hiện tại chuẩn bị bắt đầu vào mùa mưa, đây là thời điểm và là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang gia tăng, do vậy cần khẩn trương phòng chống dịch

Cụ thể, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 23.000 người mắc sốt xuất huyết, và đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong. Đặc biệt, riêng tuần cuối cùng của tháng 4 có gần 1.260 người mắc bệnh, tăng trên 13% so với tuần trước đó.

Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Các trường hợp mắc phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố thường gia tăng nhanh từ cuối tháng 4, sau đó bùng phát mạnh và lên tới đỉnh dịch vào tháng 6-7 hàng năm.

Diệt muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và zika

Trước thực trạng này, Bộ Y tế vừa có công văn số 2381/BYT-YTDP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành các hoạt động loại bỏ các vật dụng phế thải (như: lốp xe, vỏ lon đồ hộp, chai, lọ...) để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa; tổ chức các chiến dịch để người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Theo đó, các địa phương cần đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động, hiệu quả. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun thuốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Khi có các dấu hiệu như: Sốt cao từ 2 ngày trở lên, đau người, đau đầu, có chấm xuất huyết dưới da hay chảy máu chân răng, chảy máu cam, ở phụ nữ có thể kỳ kinh bất thường… có thể nghĩ đến sốt xuất huyết. Khi đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị cho bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết; đồng thời, thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân và cộng đồng các biện pháp phòng chống bệnh, đồng thời hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu bệnh phải đến bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.

Sở Tài chính chủ động cấp kinh phí để triển khai các hoạt động giám sát, truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống dịch khác.

Cũng trong một phát biểu trước báo giới gần đây, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng rất đáng lo ngại, vi rút sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Bên cạnh đó sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Cho đến nay phòng bệnh chủ yếu vẫn là phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy.

Theo đó, để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, rấy cần sự chung tay của Chính quyền các cấp, Ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình như ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy./.