Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, sáng 5/6, tại Tokyo, Nhật Bản.

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới nhà kinh tế học người Anh Adam Smith, người đã phát hiện ra chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia là "tự do tự nhiên" - được hiểu là tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa theo nhu cầu tự nhiên, mở cửa thị trường trong nước cũng như quốc tế để cạnh tranh theo nguyên tắc tự do, công bằng. Theo Thủ tướng, đó chính là nền tảng quan trọng của toàn cầu hóa và trên thực tế tiến trình này đã diễn ra hàng trăm năm trước đó.

Thủ tướng cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa, thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.

Thủ tướng cho rằng châu Á, châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Sự vươn lên của Châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ. Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ phóng tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế. Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.

“Đứng trước thách thức đó, châu Á cần phải làm gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nêu ra 3 nhóm biện pháp.

Thứ nhất, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc. Theo đó, cần tạo dựng quan hệ gắn kết lành mạnh, tăng cường lòng tin, sự thực tâm giữa các quốc gia về an ninh, chính trị và phát triển kinh tế thông qua các hiệp định song phương, đa phương, các liên kết chiến lược khu vực và liên lục địa.

Tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Gia tăng sức mạnh mềm châu Á thông qua việc truyền thông, gìn giữ và phát huy tính đa dạng, nét độc đáo về bản sắc văn hóa và những "giá trị châu Á" mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng đề cập đến như tinh thần lao động cần cù, ý thức tiết kiệm, sự hiếu học, tình bằng hữu và sự gắn kết gia đình... Đồng thời chúng ta mở cửa hợp tác, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác.

Thứ hai, giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Theo đó, cần tạo sự gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, thúc đẩy kết nối nhiều mặt và đa tầng nấc giữa các quốc gia, gồm kết nối hạ tầng mềm nhằm tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động kinh tế thương mại; kết nối giao thông/hạ tầng cứng để bảo đảm cho sự di chuyển an toàn, thuận lợi của người dân và hàng hóa; kết nối về con người; kết nối về môi trường tự nhiên như hợp tác trong giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quản lý thiên tai. Kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa hiện tại và các giá trị lịch sử, giữa hiện đại và truyền thống, giữa chủ nghĩa toàn cầu và bản sắc dân tộc, bảo toàn sự đa dạng văn hóa.

Thứ ba, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)…

Thủ tướng cho rằng, chính những thể chế, tôn chỉ, nguyên tắc, luật lệ được xây dựng bởi các định chế quốc tế này cùng với tổ chức khu vực như ASEAN, APEC… đã góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới nói chung và Châu Á nói riêng.

Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta vẫn thường nghe về "Giấc mơ Mỹ" hay “giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Myanmar, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam.. còn ít được biết đến. Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về “giấc mơ” của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển. Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân Châu Á.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn có sức mua ngày càng lớn với tầng lớp trung lưu chiếm trên 10% dân số và đang gia tăng nhanh chóng.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp, với những định hướng lớn như kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu. Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế.

Chính phủ kiến tạo mà Việt Nam đang xây dựng đồng nghĩa với lựa chọn cân bằng giữa các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với việc quản lý sự khan hiếm về các dạng tài nguyên và tính bền vững của môi trường và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức chúng ta tư duy, cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại. Tôi mong rằng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu. Thủ tướng cho biết sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Việt Nam cũng như Nhật Bản đang bàn với các đối tác một cách cụ thể để tìm ra một phương thức tốt nhất để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi.

Về ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Trên nguyên tắc đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được triển khai thời gian qua và bước đầu có kết quả tốt. “Chúng tôi đã đẩy mạnh giao lưu thương mại, tự do di chuyển thể nhân và pháp nhân. Khối lượng thương mại giữa 10 nước ASEAN không ngừng tăng lên”, Thủ tướng nói.

Trước câu hỏi về chính sách trước việc “thị trường xe 2 bánh và 4 bánh phát triển tốt ở Việt Nam nhưng đồng thời gây ra những vấn đề về môi trường, khí thải, đặc biệt ở đô thị”, Thủ tướng nói cho biết Việt Nam có chiến lược về phát triển bền vững, trong đó vấn đề môi trường đặt ra hàng đầu với chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu khói bụi từ ô tô và mô tô. Là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hơn ai hết, Việt Nam tích cực thực hiện COP 21.

Trả lời câu hỏi của người điều hành Hội nghị về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong đó có nội dung về tự do hàng hải, an ninh trên biển, Thủ tướng cho biết, đây là chuyến thăm thành công, hai bên đã bàn những vấn đề về thương mại hết sức thú vị, thống nhất cao rằng xuất nhập khẩu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là có lợi cho hai bên. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, người dân Hoa Kỳ ưa dùng và Việt Nam đã tăng cường nhập các thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Thủ tướng cho biết, hai bên đã trao đổi về vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, thống nhất cần giải quyết vấn đề Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do hàng không, hàng hải.

--------------------------------------------------------------------

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam; tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn; gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn tại Nhật Bản.

Thủ tướng dự cuộc tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn

Trưa 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự buổi tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) và Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), Nhật Bản tổ chức.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, xăng dầu, tài chính-ngân hàng, thương mại và bán lẻ như Canon, Panasonic, Nipro Corporation, Taisei Corp, Tokyo Gas, Idemitsu, Taiyo Nippon Sanso, Hitachi Zosen, Aeon, Fast Retail, Mitsubishi UFJ Leasing…

Phát biểu chào mừng các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tham dự buổi tọa đàm, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa buổi tọa đàm, là dịp để các Bộ, ngành Việt Nam lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư Nhật Bản từ đó làm cơ sở đề ra các giải pháp giải quyết một số vấn đề vướng mắc về môi trường đầu tư; đồng thời góp phần vào việc hoạch định chính sách phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao những đề xuất thảo luận tại buổi tọa đàm liên quan đến việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam; phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển hạ tầng; mở rộng bán lẻ ở thị trường tiệm cận 100 triệu dân của Việt Nam…

Thủ tướng đặt vấn đề, cùng với việc Việt Nam tích cực đổi mới, cải cách, hoàn thiện chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, xúc tiến triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam sẽ tích cực giải quyết các yếu kém về chính sách, chia sẻ lợi ích chiến lược với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm hài hòa về lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn

Trong buổi sáng, Thủ tướng có cuộc gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đồng thời trực tiếp giải đáp các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm.

Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, là thời cơ tốt để các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vào nhóm đầu ASEAN. Đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài FDI là động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam

Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản, do JETRO phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng BTMU, Ngân hàng Viettinbank tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn báo cáo vừa được JETRO công bố gần đây cho biết môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu. Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư cải thiện.

Thủ tướng cho biết, hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh từ cách đây hơn 400 năm khi các thương nhân Nhật Bản thành lập "thị trấn Nhật Bản" tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Trong đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã từng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Dẫn lời của Thủ tướng Sinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2017 vừa qua rằng: "Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Ngày hôm nay khi lần thứ 2 tôi đến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được đứng phát biểu trước 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giới thiệu về tình hình kinh tế, xã hội, tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu một cách thuận lợi.

Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và có những bước chuyển mạnh mẽ. Nền kinh tế có độ mở cao. Chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 Hiệp định khác, nhờ đó, thị trường Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia Nhóm G20 và Nhóm G7.

“Chúng tôi cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực môi trường kinh doanh của các nước OECD, giảm chi phí giao dịch, tình trạng tham nhũng, giảm bất trắc về môi trường vĩ mô và chính sách, tăng khả năng đoán định, thực hành minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng khẳng định tiếp tục xây dựng, kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế (như cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực).

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ thêm những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể nghiên cứu và cân nhắc.

Đó là Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Việt Nam đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây là một thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Việt Nam đang thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu; năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi rất mong các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Nhật bản nghiên cứu đầu tư vào các dự án đang hoạt động hoặc đề xuất các dự án mới theo Danh mục các dự án ưu tiên, như: Phát triển hạ tầng, Logistic, dịch vụ hàng không, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, sinh học, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ v.v…”, Thủ tướng chia sẻ.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một quốc gia muốn độc lập cần phải mạnh và muốn mạnh thì cần có bạn bè, đối tác" và châm ngôn của người Nhật: "Để đạt được những thành công vĩ đại, chúng ta không phải chỉ hành động mà còn phải mơ ước, không phải chỉ biết lập kế hoạch mà còn phải tin tưởng", Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam đã xây dựng quan hệ hữu nghị, tích cực hội nhập quốc tế và Nhật Bản chính là một đối tác chiến lược mà chúng tôi rất tin tưởng. Tôi tin rằng mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Nhật bản sẽ là nền tảng đem đến sự phát triển và phồn thịnh cho hai quốc gia”.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản./.