Bắt “bệnh” ngành giáo dục

Muốn trị bệnh, muốn “thay da, đổi thịt” cho ngành giáo dục, trước hết, cần phải chỉ rõ nguồn gốc gây nên căn bệnh. Có lẽ, mặc dù rất đau đớn, nhưng phải thừa nhận như lời GS. Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với sinh viên về chủ đề “Phương pháp học tập” ngày 13/3/2013, đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, “vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa”.

Trong 1 bài viết cùng tiêu đề với câu nói của GS Ngô Bảo Châu trên Vnexpress ngày 13/3, ông nói: “Đã rất nhiều người chỉ ra những bất cập của nền giáo dục nước nhà, và tôi cũng thấy không cần thiết phải góp thêm một tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu một vấn đề lớn nhất, thì đó chính là mức độ tha hóa của cả một hệ thống".

GS. Châu dẫn chứng về một vụ việc gây chấn động trong ngành giáo dục trong thời gian là vụ Đồi Ngô, “học sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đây là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống. Khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, cá nhân, mà suy nghĩ về việc xảy ra sẽ thấy rất nhiều người từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi”, GS. Châu chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy, muốn đổi mới toàn diện giáo dục thì phải đổi mới cả một hệ thống. Song, xác định đổi mới toàn diện giáo dục là cần đánh một “trận lớn” thì “kẻ địch” ở đây rõ ràng là khá mơ hồ, đó vừa là những con người chưa được đào tạo hoàn chỉnh để làm thầy (trình độ cao đẳng), vừa là những người với tâm lý cổ hủ, tư cách đạo đức thoái hóa, biến chất, những kẻ đang rao giảng đạo đức với tấm bằng rởm trong hồ sơ, lại cũng là những tư tưởng trì trệ, rập khuôn, sáo mòn, là những “băng nhóm lợi” ích đang ngự trị ở mọi cấp, mọi nơi.

Hơn nữa, “lực lượng” để tham gia “trận đánh” này lại mỏng và yếu. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 1% giáo sư, 3% phó giáo sư và 10-12% tiến sĩ giảng dạy trong các trường đại học. Muốn có lực lượng mạnh, cần phải huy động sức mạnh toàn xã hội, mà quan trọng nhất là sức mạnh của hệ thống chính trị. Song, điều đáng tiếc là cho đến nay, mọi chủ trương, chính sách đều chỉ hiện diện trên giấy. Giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu” và chú trọng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng thử hỏi bao nhiêu “hiền tài” đã thành danh quay lại vun đắp hiền tài cho đất nước? Cái gì đã khiến họ quay lưng lại với giáo dục? Khi quan trường là đích đến của “hiền tài” thì đương nhiên đích đến của giáo dục sẽ là tụt hậu.

Với một đạo quân như thế, ai dám đảm bảo rằng đó là một lực lượng đủ mạnh, đủ sức đương đầu với những thử thách cam go mà thực tiễn xã hội đặt ra?

Hơn nữa, giáo dục muốn đổi mới, cũng gặp phải trăm ngàn chông gai, trong đó có nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Bởi, bao quanh giáo dục là ngân hàng, là đất đai, là điện, là xăng… là tất cả những gì làm ra tiền, chỉ có giáo dục là không làm ra tiền. Hơn nữa, muốn đổi mới toàn diện, liệu chúng ta có dám mạnh tay chi hơn 20% ngân sách nhà nước. Con số mà lâu nay vẫn bị coi là “ngốn nhiều nhất trong các ngành cần tiêu tiền”. Hay, dù muốn đổi mới, muốn trong sạch, muốn ngang tầm thời đại, muốn gì đi chăng nữa thì cũng không vượt quá 20% đã định.

Liệu Đề án có làm nên kỳ tích?

Đứng trước một bài toán hóc búa như vậy, Đề án Đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục – đào tạo thực sự đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 2/10/2013, GS Hoàng Tụy cho rằng, “Đề án kỳ này đưa ra điểm rất đúng là tư duy lại quan điểm về trường phổ thông, về cải cách cách học và cách thi. Tôi cho đây là ưu điểm”.

Ông cũng lấy ví dụ, nhiều năm nay luôn có tiếng kêu quá tải, năm nào cũng đặt vấn đề giảm tải nhưng mọi người vẫn kêu. Bởi vì nếu giảm tải thì có mâu thuẫn là nếu giảm kiến thức thì không ngang bằng trình độ quốc tế.

“Mà không giảm tải thì học cũng không nổi! Giảm tải cũng cần nhưng chưa phải là điều chính. Cái chính là quan điểm về trường phổ thông của chúng ta chưa hợp với thời đại”, ông nói.

GS Tụy cho rằng, Đề án đã giải quyết được việc này. Trong Đề án nêu rõ trường phổ thông đến trung học cơ sở là bảo đảm học vấn cơ bản, phổ thông, cần thiết cho mọi công dân. Sau trung học cơ sở là đào tạo phân hóa theo sở thích cá nhân, theo yêu cầu xã hội. Từ đó chia ra nhiều hướng phát triển cho học sinh chứ không phải mọi người đều học đồng loạt một chương trình.

“Tôi thấy tại bản Dự thảo Đề án lần này đã đề ra được hướng giải quyết bất cập về thi cử và đó là hướng đi đúng. Theo tôi nếu thực hiện đúng được như đề án, nghĩa là thay đổi tính chất trường phổ thông, theo đó thay đổi cách học, cách thi thì sẽ là một bứt phá cho giáo dục”, GS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thay đổi mục tiêu giáo dục cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống sẽ phải có sự tái cơ cấu, từ việc điều chỉnh mục tiêu các bậc học, thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa đến đào tạo lại giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá và thi cử…

Hơn nữa, Đề án này mang tính chất lâu dài và có tính định hướng. Vì thế, sau khi được phê duyệt nó phải được cụ thể hoá ở từng nội dung.

Hơn nữa, việc thay đổi ở phổ thông, tập trung sang năng lực người học dẫn tới chương trình phải thay đổi, sách giáo khoa phải viết lại, đội ngũ giáo viên phải được đào tạo lại, phương pháp giảng dạy phải thay đổi… Trong các vấn đề trên thì chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Phải nhận thức rõ ràng rằng, có chương trình, có sách theo đúng quan điểm đổi mới nhưng đội ngũ giáo viên vẫn cũ thì cải cách giáo dục vẫn sẽ thất bại. Vì thế, giáo viên là yếu tố quyết định. Song vấn đề quan trọng hơn là, làm sao để hơn 1 triệu giáo viên thay đổi được thói quen, phương pháp giảng dạy đã theo họ hàng chục năm nay là một bài toán đau đầu của ngành.

Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn? Làm sao giáo viên có điều kiện tiếp cận năng lực từng học sinh khi sỹ số quá đông? Thực hiện phân hoá sau bậc trung học cơ sở thì bậc trung học phổ thông sẽ tổ chức thế nào?

Rất nhiều thách thức đang đặt ra với ngành giáo dục, nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đây là một “trận đánh lớn” của toàn ngành, mà để thực hiện được, phải đầy quyết tâm và phải chấp nhận rằng sẽ “sẵn sàng trả giá.”

Có thể thấy, thông qua Đề án là bước đầu tiên quan trọng, nhưng ngành giáo dục còn phải phấn đấu gian khổ mới có thể mong tạo bước chuyển biến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà./.