Bệnh nhân tăng vọt khiến bệnh viện quá tải

Theo thông tin từ Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay bùng phát sớm hơn mọi năm và đang gia tăng nhanh. Một số tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao như Hà Nội (khu vực nội thành) và TP. Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch sốt xuất huyết, sáng 19/07, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn dân cư và bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc với các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định thông thường đỉnh dịch vào tháng 7 trở đi nhưng năm nay, từ tháng 5, các ca mắc sốt xuất huyết đã tăng cao.

Tình hình dịch sốt xuất huyết đang căng thẳng ở cả hai miền Nam và Bắc

Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh. Bệnh viện tiếp nhận khám khoảng hơn 200 ca mỗi ngày, trong đó tỷ lệ nhập viện 10–20%. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm 2017 tăng gấp 4 lần với nhiều ca diễn biến nặng. Đặc biệt, ca tử vong thứ 15 trên cả nước là một bệnh nhân xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tính đến ngày 19/07, cả nước đã ghi nhận trên 50.000 trường hợp mắc, 15 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đáng chú ý là số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, ở mùa dịch sốt xuất huyết năm nay, bệnh nhân tử vong sốt xuất huyết do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.

Hiện tại, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện mỗi ngày có 4–5 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu đe dọa sốc, chảy máu được chuyển xuống cấp cứu, khi thoát nguy hiểm lại chuyển về các khoa. Đáng chú ý, Khoa hiện có 2 bệnh nhân nặng biến chứng sốt xuất huyết. Trong đó có một bệnh nhân nữ 43 tuổi bị viêm cơ tim, vừa thoát thở máy sau hơn 10 ngày điều trị tích cực. Một bệnh nhân hạ tiểu cầu nặng, đi tiểu ra máu, bội nhiễm vi khuẩn.

Còn theo ông Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận vào điều trị nội trú cho 199 bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Đáng chú ý, trung bình từ tháng 01/2017 đến tháng 04/2015 mỗi tháng có 10 ca sốt xuất huyết nhập viện, nhưng từ tháng 5 trở lại đây số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 7 này, số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi so với tháng 6/2017.

Ngoài ra, số lượng người đến khám bị sốt xuất huyết cũng tăng lên rõ rệt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của khoa có 20-25 trường hợp đến khám vì sốt xuất huyết. Tại phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm ở Khoa khám bệnh mỗi ngày cũng tiếp nhận 25-30 ca khám. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các vùng lân cận, đối tượng từ trẻ em, học sinh sinh viên đến cụ già 85 tuổi đều mắc sốt xuất huyết.

Theo ông Cường, năm nay bệnh sốt xuất huyết có diễn biến bất thường, đến sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, thời điểm tháng 7 hiện tại là giai đoạn đỉnh cao với số mắc tăng đột biến. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 7 đã có 90 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng gấp đôi tháng 6. Trong khi đó số giường bệnh có hạn, quá tải bệnh nhân, mà lượng bệnh nhân vẫn tiếp tục vào khám, điều trị không ngừng. Thời điểm hiện tại, 2/3 số giường bệnh của Khoa là dành cho điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca bệnh lây nhiễm. 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca sốt xuất huyết. Trong 250 ca nặng có 101 ca sốc thoát huyết tương, 12 ca xuất huyết nặng, 34 ca suy đa tạng, 1 ca viêm cơ tim và 3 ca sốt xuất huyết thể não. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh viện cũng đã cố gắng lọc máu sớm cho các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và đã cứu sống được 6/10 ca nặng.

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Trước diễn biến tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng chóng mặt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, khi người dân bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm...

Người dân nên đi test nhanh sốt xuất huyết khi bị sốt cao trong 24h đầu tiên

Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc. Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng chính là sốt cấp tính và kèm theo xuất huyết. bệnh nhân sốt kéo dài từ 2-5 ngày với biểu hiện sốt cao, nhức đầu, đau nhức hố mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn…

Người dân cần chú ý, khi có dấu hiệu sốt cao nên đi test nhanh sốt xuất huyết ngay trong ngày đầu tiên tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh là có thể sàng lọc sớm. Không nên chủ quan đối với sốt xuất huyết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bệnh chuyển nặng, xuất huyết nhiều có thể gây chảy máu cam, rong kinh, rong huyết, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Đây là tình trạng bệnh hết sức nặng nề. Đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tĩnh… thì rất dễ trở nặng.

Thậm chí, có người chỉ sốt và sau vài ngày đã dẫn đến sốc. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng. Nhiều trường hợp bị chảy máu dạ dày, rong kinh kéo dài, mất nhiều máu. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Cũng chính vì vậy, bác sĩ Cường cho rằng, khi người dân có biểu hiện sốt cao đột ngột trong vòng 24h đầu thì nên đi test nhanh sàng lọc sớm sốt xuất huyết, tránh để lâu bệnh trở nặng. Xét nghiệm này chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là cho kết quả. Đặc biệt, loại xét nghiệm này có thể hực hiện được cả ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nên rất thuận lợi cho người dân.

Đặc biệt, do bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, nên biện pháp duy nhất để ngăn chặn sốt xuất huyết là phải vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, không để cho muỗi gây bệnh có nơi sinh sản và trú ngụ. Theo đó, người dân nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương để diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy./.