Đề thi THPT không “đánh đố” thí sinh

Trước những băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh về định hướng đề thi THPT năm nay ra sao, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, cả 2 kỳ thi đều ra đề thi nằm trong chương trình THPT và nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12.

“Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh. Với những môn khoa học xã hội - nhân văn sẽ ra đề theo hướng mở và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc. Khi vào làm bài thì bình tĩnh, đọc kỹ đề, làm tới đâu chắc tới đấy, làm bài một cách trung thực, đối diện với chính mình, tự vượt qua bản thân mình”, Bộ trưởng Luận “bật mí”.

Trước hai kỳ thi quốc gia là THPT và Đại học vô cùng căng thẳng, Bộ trưởng Luận cũng lên tiếng chấn an các em học sinh là phải bình tĩnh tự tin, học một cách khoa học, điều độ, giữ gìn sức khỏe. Đề thi tuyển sinh ĐH còn một yêu cầu khác nữa là do phải phân loại trình độ học sinh để tuyển chọn, nên sẽ có những câu khó hơn”.

Đối với các thầy các cô, Bộ trưởng Luận bày tỏ mong muốn với tinh thần trách nhiệm, với lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu làm bài trong môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực để giành lại niềm tin, trước hết là của các em học sinh, sau đó là của các bậc cha mẹ học sinh và cả xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, theo thống kê của Bộ, số lượng hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng năm nay giảm trên 100.000 hồ sơ, tương đương mức giảm 6% so với năm ngoái, đặc biệt là hồ sơ ngành Quản trị - Kinh doanh giảm mạnh, tới 10%, ngành Khoa học, Giáo dục, Kỹ thuật công nghệ, Nông – Lâm - Thủy sản lại tăng. Đây là một tín hiệu mừng sau khi chúng tôi phát đi cảnh báo số lượng sinh viên tốt nghiệp những ngành này đã bão hòa với nhu cầu thị trường, nhất là trong điều kiện suy thoái của nền kinh tế thế giới và những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

“Việc tăng hồ sơ thí sinh dự thi các ngành nông lâm thủy sản, khoa học công nghệ cũng là tín hiệu tốt bởi những ngành khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ tạo nên nền tảng của nền kinh tế. Tôi chỉ băn khoăn một chút là số thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục vẫn còn rất đông”, ông nói.

“Rất cảm ơn các cháu đã yêu quý ngành Sư phạm nhưng phải nói thật là số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng Sư phạm trong mấy năm vừa rồi khá là lớn và sự dung nạp của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng có mức độ. Tuy nhiên điều đáng mừng là các cháu đã cân nhắc lựa chọn ngành nghề dựa trên nhu cầu của xã hội, diễn biến của thị trường lao động, đó là diễn biến tốt”, Bộ trưởng Luận bày tỏ.

Cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình: liệu có đảm bảo nghiêm túc?

Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm, đó là năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép học sinh, thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Trước những lo ngại rằng, kỳ thi sẽ không nghiêm túc khi cho thí sinh mang những thiết bị này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, thực ra vấn đề cũng đơn giản ở chỗ không nên đặt vấn đề có quá nhiều loại thiết bị phức tạp mà chỉ đặt vấn đề ngăn chặn thiết bị phát hình, phát âm trực tiếp tại phòng thi.

“Chỉ cần nhìn thiết bị có màn hình không? nếu có màn hình, tức là phát hình trực tiếp, không được mang vào. Cũng như vậy, để phát hiện thiết bị phát thanh trực tiếp không, chỉ cần xem thiết bị có loa hoặc có tai nghe không. Nếu không có hai cái đó, không phát âm trực tiếp được”, ông Luận nói.

“Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết việc này bằng văn bản. Chúng tôi tin rằng việc bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia kỳ thi”, vị “tổng tư lệnh” ngành giáo dục – đào tạo cho hay./.