Bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết và có 24 trường hợp tử vong. Trong đó, gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 09/08/2017, toàn Thành phố đã ghi nhận 13.982 ca mắc sốt xuất huyết (chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh là 16.500 ca bệnh), trong đó có 7 ca tử vong. Ca bệnh thứ 7 tử vong sốt xuất huyết tại Hà Nội là bệnh nhân nữ 56 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Bưu điện, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với thể trạng rất kém, có dấu hiệu ngừng tim, không đo được huyết áp, không đáp ứng được thuốc vận mạch. Bệnh nhân cũng bị suy đa tạng, chảy máu nhiều. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh bazedow bướu cổ. Dù được điều trị tích cực, song bệnh nhân đã tử vong.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Hà Nội

Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng, Hà Nội đã ghi nhận có 1.538 ổ dịch, tổng số bệnh trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6%); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1.191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ dịch (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có từ 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại, Hà Nội còn 285 ổ dịch chưa kết thúc, phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.

Cộng đồng cần vào cuộc

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn, vì sao các cơ quan chức năng, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Ca bệnh vẫn mắc nhiều, tăng mạnh mặc dù đã quyết liệt phòng chống dịch, mà bệnh nhân nhập viện vẫn có xu hướng tăng, dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, nguyên nhân khách quan gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến bệnh phát triển mạnh. Thêm vào đó tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư đông, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, ý thức của cộng đồng trong việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch chưa cao, phần lớn các hộ gia đình đi vắng cả ngày, có những hộ không đồng ý cho phun hóa chất.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân: Nếu bị mắc bệnh cần đến ngay cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất, theo hướng dẫn của cán bộ y tế và chỉ nhập viện khi cần thiết. Không nên tập trung vào nơi có nguy cơ lây chéo, khiến bệnh nhẹ thành nặng. Khi điều trị ngoại trú cơ bản uống nhiều nước, oresol, nước cam chanh, ăn thức ăn lỏng, hạ nhiệt bằng quạt mát và khăn nóng. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần báo ngay có chính quyền địa phương tiến hành phun hóa chất, tránh để hình thành ổ dịch mới, lây lan trong cộng đồng.

Giải đáp sự truy vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế về số bệnh nhân nhập viện chỉ có 10-15% mà chỗ nào cũng quá tải, phải nằm cả hành lang và hội trường, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Nguyễn Văn Kính cho hay, có nhiều bệnh nhân đi khám 3-4 lần, nên số lượt khám lớn, còn 10% là số bệnh nhân thực tế.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nếu làm triệt để diệt bọ và phun hoá chất thì sẽ khống chế được dịch. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của chính quyền các cấp và cộng đồng. Hiện tại, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; Thiết lập văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành như huy động các lực lượng như quân đội, công an trên địa bàn phối hợp tích cực và cùng vào cuộc quyết liệt trong việc tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt trong hoạt động diệt bọ gậy lăng quăng tại các điểm nóng, hộ gia đình, tham gia các đội cùng y tế đi phun hóa chất.

Ngoài ra, đối với ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Ban quản lý công trường, nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm nếu để còn có các ổ đọng nước có lăng quăng của muỗi truyền bệnh tại công trình xây dựng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải tuyên truyền cho người dân tránh bị muỗi đốt, phải mặc quần dài, bôi thuốc chống muỗi, dùng bình xịt muỗi và phải diệt lăng quăng. Nếu bị bệnh rồi chỉ nhập viện khi cần thiết vì đa số tự khỏi, nhưng cần phải uống nhiều nước oresol…

Ngoài ra, Hà Nội cần phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh, chẳng hạn, như: Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái. Khi phun thuốc cũng cần lưu ý, thứ nhất là phun hạ thuốc diệt muỗi để "hạ hỏa" ở trong nhà sau, đó tập trung trong trường học, bệnh viện, công trình xây dựng; thứ hai dùng máy phun công suất lớn phun ngoài đường.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra, phác đồ điều trị dịch sốt xuất huyết vẫn là tập huấn lại cả ba miền, vì phòng chống sốt xuất huyết là việc diệt lăng quăng, bọ gậy. Sau đó sẽ kết hợp phun thuốc diệt muỗi thì chắc chắn dịch sốt xuất huyết sẽ "hạ hỏa"./.