Sửa đổi chính sách để tăng hiệu quả sử dụng vốn

Tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) băn khoăn về tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn ODA của Việt Nam. WB muốn Việt Nam đẩy nhanh tiến độ và tăng cường hiệu quả giải ngân vốn ODA. Về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết: Chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo các bộ, ngành về việc thực hiện giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi, trong bối cảnh nợ công có thể chạm ngưỡng trần vào cuối năm nay, phải bảo đảm sử dụng ODA hiệu quả nhất và không làm tăng trần nợ công.

Quang cảnh buổi làm việc

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, phía WB muốn biết Việt Nam sẽ sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP (về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) song song với sửa Luật Đầu tư công hay không. Trả lời câu hỏi của WB, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, thực tế Luật Đầu tư công mới ban hành năm 2014 và có hiệu lực vào năm 2015, Nghị định 16/2016 cũng được sửa đổi vào năm 2015 cùng thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực. Tuy nhiên, giữa 2 văn bản vẫn còn điểm vênh nhau, nhưng không trái ngược nhau. Vì vậy, sẽ sửa đổi đồng thời cả Luật và Nghị định này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong Quý 4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải trình đề xuất dự thảo sửa đổi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu về việc khu vực tư nhân tiếp cận vốn vay ưu đãi. Đây là nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nghiên cứu và sẵn sàng trao đổi với các nhà tài trợ xem những điều kiện, tiêu chí như thế nào để khu vực tư nhân có thể tiếp cận với ODA và vốn vay ưu đãi. Thực tế, tiếp cận vốn vay ODA thì hơi khó nhưng tiếp cận vốn vay ưu đãi thì có thể. Vừa rồi, AFD cũng đã đưa ra khoản cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xem xét nội dung này.

Cũng tại buổi làm việc, bên cạnh quan tâm đến việc sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP, đại diện nhiều nhà tài trợ như ADB, AFD, JICA còn quan tâm đến tổng thể chiến lược huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương thông tin: Việt Nam đang chủ động rà soát về chiến lược huy động ODA và vốn ưu đãi để có điều chỉnh, trước mắt là cho giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành địa phương liên quan rà soát để điều chỉnh chiến lược này nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả ODA và vốn vay ưu đãi.

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại định hướng thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi. Quan điểm của Việt Nam là không vay ODA và vốn vay ưu đãi bằng mọi giá.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tính trần nợ công 3 năm giai đoạn 2018-2020 để quyết định mức vay. Còn giai đoạn sau 2021-2025, sẽ quyết định mức vay trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tiếp theo 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Từ 2018, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện xây dựng kế hoạch và chiến lược định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho từng giai đoạn cụ thể là 5 năm và 10 năm. Bởi thực tế dòng vốn ODA sẽ giảm dần và sẽ còn rất ít vì từ năm 2019 Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” ODA của ADF của ADB, WB (chỉ còn IDRB). Bên cạnh đó, một số đối tác song phương tuy chưa chấm dứt nhưng điều kiện vay ODA cũng cao hơn so với trước đây.

Cơ chế hấp dẫn sẽ thu hút được vốn từ tư nhân

Các nhà tài trợ cũng quan tâm đến khả năng huy động vốn từ khối tư nhân của Việt Nam để giảm gánh nặng nợ công cho nhà nước. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, căn cứ vào thực tế sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, sẽ hoàn toàn có những nhà đầu tư tư nhân trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực và sẵn sàng cung cấp nguồn vốn này. Tuy nhiên, để có thể huy động được tiềm năng đó, còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Chính phủ.

Đơn cử, cơ chế về đầu tư theo hình thức PPP là một cách để thu hút vốn tư nhân vào phục vụ việc đầu tư công. Hiện nay cơ chế về PPP đã được WB hỗ trợ xây dựng, nhưng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ rà soát lại để điều chỉnh sao cho hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia.

Cơ chế hấp dẫn sẽ thu hút được vốn từ tư nhân

Chẳng hạn, với dự án lớn như Dự án Sân bay Long Thành, “nếu có cơ chế hấp dẫn thì có thể Chính phủ chỉ cần bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, còn lại toàn bộ chi phí xây dựng sân bay có thể huy động từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Và thực tế, hiện cũng đã có một số nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến dự án Sân bay Long Thành”, Thứ trưởng tin tưởng.

Thứ trưởng cũng cho biết, thực tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện rất vất vả vì nhận được nhiều đề xuất dự án của các bộ, ngành, địa phương gửi lên, nhưng không phải dự án nào cũng đảm bảo đạt tiêu chí nằm trong nhóm ưu tiên đầu tư, kể cả những dự án rất lớn (như đường cao tốc Bắc – Nam), vì nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Do đó, nếu mọi dự án lớn mà đều trông chờ vào ngân sách thì không thể làm được. Cho nên, cần xem xét tìm cách huy động ở nhiều nguồn vốn khác, trong đó huy động từ tư nhân (thông qua đầu tư PPP, BOT…) là rất quan trọng. Nhưng rõ ràng là cần phải có cách làm khác hơn, rõ ràng, minh bạch hơn thì mới huy động được./.

Việt Nam mong muốn được giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi theo tiến độ

Cũng tại buổi làm việc, đại diện JICA muốn biết: Vì sao có tình trạng dự án hạ tầng quy mô lớn nhưng thiếu nguồn vốn giải ngân ODA? Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết: Do theo quy định của Luật Ngân sách thì tất cả các giải ngân vốn vay ODA phải được lập trong kế hoạch ngân sách. Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 300 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 14 tỷ USD trong 5 năm. Nhưng 300 nghìn tỷ chia ra trong 5 năm, thì mỗi năm chỉ được 60 nghìn tỷ, tương đương dưới 3 tỷ USD. Về việc này, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để xử lý, tất nhiên mong muốn của Việt Nam là được giải ngân theo tiến độ. Giải ngân theo tiến độ nhanh thì công trình sớm được đưa vào sử dụng, sớm phát huy hiệu quả và phần Chính phủ phải trả lãi, phí sẽ giảm đi nhiều.