Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã chính thức rút giấy phép hoạt động của trường Melior Việt Nam tại TP.HCM để bảo vệ quyền lợi người học tại trường này.

Bài học SITC vẫn chưa phai

Một trường hợp khác cũng tương tự đã xảy ra năm 2005, Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC (Singapore International Training Consultancy) cũng đã buộc phải đóng cửa 14 trường dạy tiếng Anh và 5 trung tâm đào tạo quản lý mà công ty này đang điều hành khắp Việt Nam. Ban đầu, SITC được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 7 /2004 được phép mở chi nhánh tại Hà Nội.

Ông Michael Yu là người đứng tên toàn bộ các giấy tờ liên quan đến SITC tại Việt Nam. Có vẻ như ông này đã lập hai hệ thống sổ sách riêng và những nhà đầu tư cũng không nắm được thực tế tài chính của SITC. Chỉ khi có kiến nghị của nhân viên giảng dạy tại SITC về tình hình kinh doanh khó khăn, thu không đủ chi, tiền lương cán bộ giáo viên không được thanh toán đầy đủ, đúng hạn, thì ông này đã “mất tích”.

Đã lại xuất hiện Melior

Chiều 13/11, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội(LĐTBXH) TP. Hồ Chí Minh xác nhận, cơ quan này đã chính thức rút giấy phép hoạt động của trường Melior Việt Nam. Đây cũng chính là đơn vị đã cấp giấy phép hoạt động cho Melior tại TP. Hồ Chí Minh được dạy nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) cho các ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch – khách sạn.

Trước đó, Trường Melior vẫn tổ chức dạy học và giao dịch như bình thường, cho đến sáng 12/11 thì bất ngờ thấy cơ sở của trường (đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đóng cửa. Phần đông phụ huynh và sinh viên chỉ biết được thông tin này khi đến trường vào sáng 12/11, khi được Công ty Hà Liêm (nơi cho Melior thuê cơ sở đào tạo) dán thông báo đóng cửa tòa nhà do Melior chưa thanh toán tiền thuê nhà.

Điều đáng nói, rất nhiều phụ huynh, giáo viên, sinh viên có mặt tại trường đã cố gắng liên hệ với đại diện trường Melior tại Việt Nam bằng mọi cách, nhưng tất cả đều không có hồi âm. Khi liên hệ với đại diện Melior Singapore thì chỉ có được thông tin toàn bộ giáo viên tại Việt Nam đã được cho nghỉ việc.

Cho tới buổi chiều cùng ngày, website của Melior (MBS) Việt Nam tại địa chỉ www.mbs.edu.vn cũng đã không thể truy cập. Toàn bộ các số máy của lãnh đạo Melior Việt Nam đều không thể liên hệ được, hoặc không nghe máy.

Được biết, hiện Melior Việt Nam đang có khoảng 300 sinh viên đang theo học. Melior được giới thiệu, quảng cáo là thành viên của tập đoàn Melior Singapore, được thành lập năm 2009, chuyên đào tạo và cấp bằng có giá trị quốc tế đối với ngành quản trị kinh doanh, bậc cử nhân.

Nhà chức trách thực sự đã kiên quyết?

Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, Trường Melior đã từng hai lần bị Bộ Giáo dục & Đào tạo xử phạt vì vi phạm tổ chức tuyển sinh, liên kết đào tạo Đại học và Cao đẳng trái phép. Bộ cũng đã từng đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh rút Giấy phép hoạt động của trường, nhưng chưa kịp làm thì bất ngờ sáng 12/11 vừa qua, Trường Melior đột nhiên đóng cửa mà chưa rõ nguyên nhân.

Việc đóng cửa trường đột ngột như vậy khiến cho quyền lợi của những học viên vô cùng mong manh, khi mà nhiều người đã đóng học phí trọn gói một khóa học từ 4.500 USD đến 13.000 USD. Nhiều học viên của trường Melior Việt Nam phản ánh họ chưa nhận lại được các văn bằng, chứng chỉ để chứng minh rằng đã từng học tại Melior Việt Nam để tiếp tục theo học các chương trình khác.

Để đảm bảo quyền lợi người học, ngay trong ngày 12/11, ông Võ Phước Nguyện - Phó phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh, khẳng định: Sở đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Melior Việt Nam. Cấm xuất cảnh với Cheng Sim Kok.

Theo ông Nguyện, Melior Việt Nam được phép đào tạo nghề và cấp chứng chỉ nghề ngắn hạn (dưới một năm) cho ba nghề quản trị du lịch và khách sạn, quản trị doanh nghiệp căn bản, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đào tạo chia nhỏ thành các khóa (mỗi khóa ba tháng). Sau khi học viên đạt đủ số tín chỉ nghề thì chuyển tiếp sang Singapore lấy bằng Cao đẳng đúng với ngành đã học.

Tuy nhiên, việc chuyển tiếp này đã không được Melior International College (Singapore) đồng ý và đã nhượng quyền cho Công ty Melior Việt Nam. Tức là Trường Melior chỉ mua thương hiệu của Melior International College để “chiêu sinh” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyện cho biết thêm do không có chức năng đào tạo Đại học, Cao đẳng trên lãnh thổ Việt Nam nên không chỉ Melior, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như ERC, SIBME đã “lách luật” bằng cách “chẻ” chương trình Cao đẳng của nước ngoài cụ thể là Singapore, rồi dùng hệ thống chứng chỉ sơ cấp nghề để đào tạo tại Việt Nam nhằm hợp thức hóa bằng Cao đẳng tại Singapore.

Phải hỏi "nguồn gốc gà trước khi ăn"!

Sự việc này cho thấy, việc quản lý các cơ sở đào tạo có vốn nước ngoài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không được rạch ròi giữa hai cơ quan Kế hoạch đầu tư và Giáo dục - Đào tạo. Sự thật chắc sẽ được làm rõ. Nhưng quyền lợi của học viên và giáo viên, ai sẽ bảo đảm? Hay như câu chuyện gà độc, nhà chức trách chỉ biết khuyên người dân hỏi xuất xứ trước khi ăn!

Qua sự việcTrường Melior đột nhiên đóng cửa” cũng như SITC 7 năm trước cho thấy, nên cẩn trọng với các chương trình đào tạo ngoài Singapore, phải tìm hiểu kỹ trước khi học. Cần phải xem đơn vị đã được cấp phép chưa; chương trình như thế nào; điều kiện bảo đảm chất lượng ra sao; cơ sở đào tạo nước ngoài liên kết đã được xếp hạng, kiểm định, được công nhận, được phép hoạt động ở nước ngoài hay không...

Doanh nghiệp kinh doanh giáo dục, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài khi xin phép đầu tư hoạt động phải đóng ký quỹ (tiền thế chân) để giải quyết hậu quả khi doanh nghiệp phá sản hoặc như trường hợp Trường Melior đóng cửa. Tuy nhiên, rất tiếc đến nay luật của ta chưa có quy định này. Ông Nguyện chia sẻ.