Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/09/2017 cả nước có 24.199 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 310,19 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 167,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Thu hút FDI vượt mốc 25 tỷ USD trong 9 tháng

Đáng chú ý, tính đến ngày 20/9/2017, có 1.844 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 14,56 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016; Có 878 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,75 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016 và 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,16 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính theo lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng qua nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, đứng thứ nhất lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 12,64 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9/2017.

Kế tiếp đó, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,37 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,58 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tĩnh theo đối tác đầu tư, hiện tại nước ta có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,91 tỷ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,14 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.

Nếu xét theo địa bàn đầu tư, thì 9 tháng qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố của Việt Nam. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,74 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 3,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,14 tỷ USD chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.

Về tình hình xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 9 tháng năm 2017 đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 9 tháng năm 2017 đạt 108,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 70,5% kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 9 tháng năm 2017 đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 60,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 15,36 tỷ USD không kể dầu thô./.