Cụ thể, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra đã thảo luận nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, bộ máy và đời sống quan trọng. Đáng chú ý, trong đó có chính sách dân số, đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nguy cơ già hóa dân số.

Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện nay có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Đáng chú ý, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như, các nước phải mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, thì Việt Nam chỉ mất 17-20 năm để già hóa dân số. Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, Việt Nam sẽ bước vào dân số “siêu già”.

Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Dân số - Kế hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh. Trong đó:

Phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó, tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại những nơi tỷ lệ sinh thấp, thì vận động nâng mức sinh lên, như khu vực Đông Nam Bộ có tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 1,7 con, tức là số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Phương án 2: Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.

Phương án 3: Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Theo ông Tân, đối với phương án 2, khi sinh ít con, các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi cho an sinh xã hội, mật độ dân số tăng chậm hơn. Phương án này có lợi cho Việt Nam là nước đông dân, mật độ dân số rất cao, đất đai ít, tuy nhiên cũng có mặt trái của nó.

Nếu vẫn tiếp tục vận động sinh ít con, cộng thêm sự phát triển kinh tế xã hội của những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đưa mức sinh giảm. Kinh nghiệm cho thấy mức sinh giảm đến ngưỡng nào đó thì rất khó khăn để tăng lại, như nhiều nước phải đối mặt hiện nay.

Ông Tân dẫn chứng từ quốc gia Singapore, năm 1975 đạt mức sinh thay thế, 7-8 năm sau xuống 1,7 con. Từ năm 1982, Singapore có chính sách khuyến sinh chọn lọc. 7 năm sau thực hiện chính sách khuyến sinh toàn diện nhưng không mang lại kết quả.

Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Vì thế, Bộ Y tế mong muốn thực hiện phương án 1 là duy trì mức sinh như hiện nay. Dù vậy, đại diện ngành dân số cũng khẳng định việc khuyến khích sinh thêm con ở những vùng mức sinh thấp là rất khó.

Trên thực tế, nhiều quốc gia thành công trong giảm sinh, nhưng chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian cho công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích sinh con và vất vả nuôi con sẽ rất khó.

Từ năm 1993 đến nay chính sách dân số chủ yếu là vận động sinh ít con, hầu như không phạt ngoại trừ một số địa phương. Ngay cả với nhóm đối tượng là đảng viên, từ năm 2011- 2012 cũng đã thay quy định về xử phạt đối với người sinh đến con thứ 5 mới bị khai trừ Đảng, thứ 4 mới cảnh cáo, con thứ 3 khiển trách.

Đáng chú ý, thời gian qua, số con trung bình của phụ nữ tuổi sinh đẻ giảm các năm qua, hiện ở mức 2,09 con và duy trì hơn 10 năm qua. Riêng khu vực Đông Nam bộ số con trung bình hiện rất thấp (1,7 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ); TP. Hồ Chí Minh thấp nhất nước với 1,4 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ; Cao nhất thuộc về khu vực trung du và miền núi phía bắc (2,69 con). Tại Hà Nội, số con trung bình là 2,1 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Dự báo năm 2017 dân số nước ta khoảng 93,4 triệu người./.