Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân đã làm rõ thêm một số vấn đề về báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011-2016.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân

Nhiệm kỳ của Chính phủ năm 2016-2021 đã rà soát về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp và đảm bảo một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Nếu cơ quan phối hợp có những nhiệm vụ cần phối hợp thì cũng phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian điều chỉnh đến tháng 8/2017, chỉ còn tồn tại 3 vấn đề còn có sự giao thoa. Đó là vấn đề quản lý về năng lượng giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, quản lý về đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Về hướng dẫn kiểm tra và thẩm định hoạt động trong xây dựng và quản lý phân bổ ngân sách đầu tư phát triển, 9 vấn đề cần có sự phân công phối hợp giữa các bộ ngành và cơ quan của bộ, ngang bộ. Trong kiện toàn về tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2021 vẫn giữ ổn định 18 bộ và 4 cơ quan ngành bộ như nhiệm kỳ trước. Có 42 tổng cục, như vậy nhiệm kỳ này tăng thêm 2 tổng cục.

Bộ trưởng cho hay, đã tăng thêm 7 cục; đã giảm đi được 11 vụ; đã giảm được 56 phòng thuộc bộ xuống còn 344.

Về cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta giữ ổn định là cơ quan cấp tỉnh có 19 đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn cấp huyện có 12.

Điều đáng lưu ý là từ đầu nhiệm kỳ đến nay số lượng cấp phó cũng được giảm.

Cụ thể, cấp Thứ trưởng đầu nhiệm kỳ khóa trước có bình quân là 5,55 thì đầu nhiệm kỳ này còn lại 4,7. Phó tổng cục trưởng cuối nhiếm kỳ là 3,22 và đầu nhiệm kỳ giảm xuống còn 3. Về phó cục, vụ thuộc tổng cục cuối nhiệm kỳ là 32,31 hiện nay giảm còn 1.92. Như vậy, sau khi sắp xếp lại số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn có giảm.

Đối với địa phương, Phó trưởng phòng thuộc sở cuối nhiệm kỳ là 1,46 hiện nay giảm còn 1,4. Phó trưởng phòng cấp huyện từ 1,73 tăng 1,74.

“Như vậy, do một số biên chế ít nên có những địa phương có số phòng có số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý nhiều hơn nhân viên”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận định.

Về biên chế công chức, Bộ trưởng cho biết, so với năm 2015 là 277.741 biên chế đến 2017 chúng ta có 269.770 biên chế là giảm được 7.971 biên chế.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương còn có hợp đồng để làm chuyên môn nghiệp vụ. Tính đến tháng 2/2017 là 13.277 biên chế, trong đó Trung ương là 1.488, địa phương là 11.789. Hợp đồng theo Nghị định 68 tăng 20.287, trong đó trung ương là 7.800 và địa phương là 12.453.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho biết, tính từ năm 2015 đến 30/9/2017 chúng ta tinh giản được 29.945 biên chế, trong đó phần lớn là nghỉ hưu trước tuổi chiếm 87,5%, về tinh giản biên chế nghỉ ngay chỉ đạt 12,6%.

Về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Chính phủ xin tiếp thu và xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết của Quốc hội gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về vấn đề rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước,Chính phủ xin tiếp thu và giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ và cơ quan ngang bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình rà soát lại các luật, các nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, lập danh mục để báo cáo Quốc hội theo quy định.

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước của Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực, các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp theo nguyên tắc "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì". Đồng thời triển khai đồng bộ về các giải pháp sau: Rà soát và hoàn thiện về chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng là đẩy mạnh phân cấp và phân quyền hợp lý cho bộ, ngành và địa phương, tạo điều kiện để cho bộ, ngành và địa phương thực hiện theo phân cấp và phân quyền.

Về điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan có nhiệm vụ giao thoa, trùng lắp về quản lý Nhà nước và bảo đảm về liên thông về phạm vi và đối tượng quản lý, rà soát lại những nhiệm vụ mà cơ quan Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để khuyến khích cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận.

Về tổ chức sắp xếp lại các cơ quan trong bộ máy hành chính của Nhà nước, Chính phủ xin tiếp thu và sẽ khẩn trương hoàn thành các Nghị định, Quyết định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan ngang Bộ, các Tổng cục và tương đương, cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện, hướng dẫn tổ chức tham mưu, giúp việc, phục vụ cho Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp xã.

Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện về mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ hợp lý để tránh sự giao thoa, chồng chéo và trùng lắp với nhau.

“Các cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và tính chất đặc thù có mô hình tổ chức phù hợp và không nhất thiết là tổ chức các cơ quan của Chính phủ như mô hình của các bộ. Một số lĩnh vực theo ngành dọc như thuế, hải quan có thể sắp xếp theo liên huyện và liên tỉnh chứ không nhất thiết là mỗi một huyện, tỉnh đều có cơ quan”, Bộ trưởng phát biểu.

Về kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng Chính phủ sẽ quy định khung về số lượng tổ chức và số lượng cấp phó, người đứng đầu của cơ quan chuyên môn và phân cấp cho chính quyền địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện quyết định hợp nhất, thành lập hay không thành lập cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm và tình hình của địa phương và yêu cầu của cải cách hành chính về số lượng cấp phó của từng cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và cấp huyện.

Về thành lập các cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hoàn thiện về mô hình quản lý giám sát của doanh nghiệp về vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, rà soát và bỏ tất cả những quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước, đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Về vấn đề tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ xin tiếp thu và khẩn trương hoàn thành việc ban hành các nghị định về văn bản quy định về tiêu chí xác định biên chế của các bộ, ngành địa phương trên cơ sở phân loại cơ quan đơn vị hành chính và giao cho bộ, ngành địa phương chủ động sử dụng biên chế đã được phê duyệt và triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thực hiện nghiêm các nghị quyết và kết luận quyết định của Đảng và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng biên chế. Thực hiện cho bằng được mục tiêu đến năm 2021 chúng ta giảm tối thiểu 10% tổng biên chế được giao năm 2015. Từ năm 2018 bình quân mỗi năm chúng ta phải giảm 2,5% trong cả hệ thống chính trị.

Về quá trình sắp xếp và tổ chức bộ máy là không tăng thêm đầu mối và biên chế. Trường hợp đặc biệt thành lập mới phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đồng ý nhưng không được tăng biên chế và chấm dứt việc thực hiện tự giao biên chế vượt số lượng giao biên chế của các cơ quan có thẩm quyền. Cần phải đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội ngũ công chức và viên chức theo đề án vị trí việc làm để nâng cao về năng suất lao động và giảm áp lực tăng biên chế.

Về các đơn vị, bộ, ngành và địa phương chưa sử dụng hết biên chế, cần được xem xét đánh giá lại để cắt giảm cho phù hợp. Thực hiện việc phân cấp về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm cũng như cơ cấu lại về công chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 89 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 41 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện nghiêm về chế độ khoán kinh phí, khoán biên chế đối với các tổ chức hội có giao biên chế. Tăng cường các hoạt động về công tác thanh tra, kiểm tra để quản lý biên chế về công chức và số lượng người làm việc trong các việc đơn vị sự nghiệp công lập.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 36a của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là chúng ta phải liên thông cho được toàn bộ các hệ thống về văn bản từ trung ương đến địa phương và ngược lại. Phải triển khai các dịch vụ công phục vụ cho nhân dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành, các địa phương phải tập trung tích hợp những dịch vụ công trực tuyến mà mình cung cấp lên cổng thông tin quốc gia duy nhất./.