Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu, với 2 vấn đề nổi cộm. Một là tính thích ứng biến đổi khí hậu và hai là tính thích ứng với thị trường.

"Bởi vì, riêng về biến đổi khí hậu 2 năm vừa qua diễn ra cho chúng ta thấy một bức tranh là diễn biến của biến đổi khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn kể cả kịch bản chúng ta dự đoán. Đã gây tổn thất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của ta. Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là một nguyên tắc cơ bản để chúng ta tiến hành tái cơ cấu kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, quy mô ngành hàng vùng và quy mô ngành hàng địa phương", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Cường, sản xuất nông nghiệp của ta không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỷ USD năm vừa qua và năm nay dự kiến 35 tỷ USD.

"Chỗ này nếu ta không tính toán kỹ, xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí thua trên sân nhà”, Bộ trưởng Cường nói.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong biến đổi khí hậu cũng tạo ra dư địa mới mà nếu biết cách tận dụng chúng ta có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính chất lợi thế cạnh tranh.

"Đồng bằng sông Cửu Long trước đây vốn tập trung nông sản, lúa gạo, thủy sản, trái cây thì nay chuyển sang thủy sản, trái cây và lúa gạo theo trình tự. Bởi vì nước biển dâng, thượng nguồn thay đổi, quy luật dòng chảy thay đổi nhưng trên nền tảng nước thì phải lựa chọn đối tượng gì thích ứng nhất với biến động mới thì thủy sản mới lựa chọn lên đầu. Có cơ sở vì một là xu hướng thị trường thế giới tốc độ tăng nhu cầu thủy sản từ 5% đến 7%. chúng ta lựa chọn 2 con điển hình là tôm và cá tra, riêng tôm thế giới này 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân là 7 triệu tấn. Trong khi, hiện nay mới có 5 triệu tấn cung ứng, rõ ràng một khoảng còn rất lớn", Bộ trưởng phân tích.

Liên quan đến vấn đề phân bón, Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định quyết định giao việc đó cho Bộ Nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp quản lý thay vì 2 bộ như trước kia.

“Đến giờ phút này xin báo cáo Quốc hội chúng tôi đã xây dựng nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã ký Nghị định 108, thay cho Nghị định 202. Vốn trước kia chi phối hai cơ quan quản lý, chính thức là Thủ tướng Chính phủ đã ký ngày 22 tháng 9 vừa qua, hiện nay chúng ta đang tiếp nhận với Bộ Công Thương để bàn giao toàn bộ các nội dung”, Bộ trường Cường nói.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan phối hợp cũng đã trình một nghị định xử phạt. Theo ông Cường, vì vấn đề phân bón hiện nay là rất phức tạp, đây là một nguyên nhân gây thiệt hại cho nông dân, gây sản xuất không sạch, gây lãng phí tiền của. Theo đó, về quản lý có một nghị định về xử phạt, mức xử phạt sẽ tăng lên, các chế tài kèm theo, thậm chí nơi nào vi phạm, Thủ tướng yêu cầu dừng sản xuất, không cấp phép nữa.

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là chính sách bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn sắp tới như thế nào? Bộ trưởng Cường cho biết, với mục tiêu cao nhất là phải giữ được hệ số che phủ theo Đại hội XII, tinh thần nghị quyết Đại hội XII là đến năm 2020 chúng ta phải giữ được hệ số che phủ là 42%. Đồng thời, phải hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp với giá trị đến năm 2020 là 40 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng là 5 đến 6 % và giá trị xuất khẩu đồ gỗ là 8,5 tỷ USD.

“Theo tinh thần đó, chúng ta có hai nội dung chỉ đạo lớn. Một là, tổng số 14,3 triệu ha rừng, riêng 10,2 triệu ha rừng tự nhiên giữ bằng được. Kiên quyết không chuyển đổi những dự án xâm vào vùng này, trừ trường hợp dự án quốc phòng, an ninh hoặc dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hai là, Thủ tướng Chính phủ sau một năm yêu cầu quy định đóng cửa rừng tự nhiên không khai thác gỗ, năm nay tiếp tục vừa tổng kết, giữ bằng được 10,2 triệu ha này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.