Chiều 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Lùi thời gian thực hiện để chuẩn bị kỹ hơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế bất cập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Về một số hạn chế, bất cập đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu cụ thể, như: Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa; thời gian để hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, theo Bộ trưởng, nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ chưa đảm bảo về chất lượng. Trong khi đó, Nghị quyết 88 yêu cầu, từ năm học 2018- 2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tiễn triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện thực hiện tính đến 9 năm 2017, Bộ trưởng cho rằng, nếu triển khai theo lộ trình trên thì khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội.

Do vậy, “Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019- 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020- 2021, và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022.”- Bộ trưởng nhấn mạnh đề xuất.

Mới tiêu hơn 50 tỷ cho chương trình, sách giáo khoa mới

Liên quan đến kinh phí biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay, ngành Giáo dục mới tiêu 50 tỷ đồng cho biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Còn lại số tiền dành cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa mới đang trong kế hoạch thực hiện.

Theo đề xuất lộ trình cụ thể đối với từng lớp sẽ như sau: Năm học 2019-2020: Lớp 1; Năm học 2020-2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021-2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022-2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023-2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm.

Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.

Giải trình về đề xuất lùi thời gian áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, theo Bộ trường, lùi thời gian thực hiện sẽ có thêm thời gian bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Vẫn nhiều băn khoăn

Thảo luận tại Phiên họp chiều 02/11, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 vì cho rằng giáo dục là một vấn đề lớn, được cả nước quan tâm, ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Do vậy, việc lùi thời gian áp dụng để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà là rất cần thiết. Tuy nhiên, về mốc thời gian áp dụng, các đại biểu vẫn tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang) băn khoăn: “Nghị quyết 88 đã thực hiện đến tháng 11/2017 là 3 năm, các nội dung như biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chương trình sách giáo khoa mới, việc chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện đã thực hiện được bao nhiêu phần việc, trong báo cáo đã có nhưng tôi thấy còn chung chung. Những nội dung công việc nào chưa thực hiện được, nguyên nhân do đâu, lộ trình sắp tới, đặc biệt năm 2018, năm dự kiến triển khai áp dụng phải làm những gì, lộ trình cụ thể ra sao và giải pháp như thế nào.”

Do vậy, ĐB Hồng đặt vấn đề: “Việc xin lùi thời gian một năm liệu đã khả thi chưa, theo tôi nên cân nhắc, vì thực tế vừa qua cơ bản các nội dung của nghị quyết theo lộ trình đều chậm, chưa đảm bảo theo đúng tiến độ.” Đại biểu Hồng đề nghị: “Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có định hướng rõ ràng để các địa phương sẵn sàng, để các đại biểu Quốc hội tuyên truyền giải thích, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện nghị quyết.”

Còn đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cử tri gửi gắm đề nghị trong chương trình mới nên thiết kế 1 phần thời gian để có giáo dục cho học sinh về chống xâm hại, bạo lực học đường, đuối nước... Cử tri cũng hỏi về sách giáo khoa mới có đắt tiền hơn sách cũ hay không?

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (TP. Đà Nẵng) thì đề nghị: để đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện đề án đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Và cũng cần sớm phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, trong đó ưu tiên kiên cố hóa trường lớp đảm bảo đủ phòng học theo quy định, tránh tình trạng một lớp từ 45-50 học sinh.../.