CSOM mở đầu APEC 2017

Nổi bật của tuần lễ APEC 2017 là 4 sự kiện quan trọng: Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC (AMM); Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC; Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) khai mạc ngày hôm nay (06/11) và kéo dài đến 07/11 đã đánh dấu bắt đầu 1 tuần lễ sôi động của APEC 2017. Đây là cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) cuối cùng của Năm APEC 2017.

Phát biểu khai mạc CSOM sáng 06/11, Chủ tịch Hội nghị Quan chức Cấp cao (SOM), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết cuộc họp SOM cuối cùng này sẽ gồm 2 mục tiêu chính. Đầu tiên, các quan chức tham dự sẽ xem xét lại việc hợp tác APEC trong năm nay, chuẩn bị báo cáo để trình lên hội nghị bộ trưởng và hội nghị lãnh đạo trong tuần này. Thứ hai, SOM sẽ hoàn thành tuyên bố cho hội nghị bộ trưởng.

Hội nghị CSOM rà soát lại các kết quả đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của năm APEC 2017 và hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt như chương trình nghị sự, nội dung văn kiện và các vấn đề liên quan của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Hội nghị CSOM mở đầu tuần lễ APEC 2017

Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi vững chắc hơn, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và 4 ưu tiên hợp tác của năm 2017 cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn mà APEC đang triển khai.

Chủ tịch SOM đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá tiến triển của hợp tác APEC trong năm 2017 cùng những kết quả sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, đồng thời hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC và Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC.

Tuần lễ APEC 2017 còn có nhiều sự kiện nổi bật. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang sẽ chủ trì và tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, gồm: Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN trong ngày 10/11; Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Phu nhân/Phu quân và Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, tối 10/11; Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, ngày 11/11. Chủ tịch nước cũng sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, diễn ra từ ngày 08 đến ngày 10/11.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam vào ngày 07/11.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đồng chủ trì Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC, ngày 08/11.

Kỳ vọng ở tương lai

Tuần lễ Cấp cao APEC có sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC với các bài phát biểu quan trọng, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin…

Theo chương trình nghị sự, lãnh đạo 21 nền kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm. Cùng với đó là định hướng cho hợp tác của Diễn đàn kinh tế APEC trong những năm tiếp theo.

Với ý nghĩa đó, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017: (1) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh kết nối kinh tế khu vực sâu, rộng hơn; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động và thách thức lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, hậu quả của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008 vẫn chưa được khắc phục triệt để, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chậm, ở mức 2,2% vào năm 2016. Xu thế toàn cầu hóa đang bị chững lại bởi các “dòng xoáy ngược”, thậm chí trước nguy cơ “đảo chiều của xu thế toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI”, nhất là ở 2 trong 3 trung tâm kinh tế thế giới là Mỹ và châu Âu.

APEC năm nay với 20 hội nghị lớn cùng gần 200 hoạt động bên lề thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới. Cho đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC. Việt Nam đang hình thành mạng lưới FTA song phương và đa phương với 18/20 nước thành viên APEC.

Với kinh nghiệm đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006, trong lần đăng cai APEC 2017 này Việt Nam đã chủ động, tích cực đáp ứng những đòi hỏi mới cao hơn cả về kỹ thuật, những vấn đề lớn, có tính bước ngoặt của mô hình liên kết, phản ánh xu thế “khu vực hóa toàn cầu” với trật tự thế giới mới “đa cực, đa trung tâm” đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình, với nhiều sự kiện “bất ngờ”, thậm chí “đảo lộn” đã, đang và sẽ diễn ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo./.