Tác động mạnh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cuộc cách mạng 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học; Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới... Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc cách mạng 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.

Cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam

Thậm chí, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, trong cuộc cách mạng 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.

Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, kỷ nguyên số sẽ tác động lớn đến thị trường lao động vì không chỉ làm thay đổi về số lượng công việc, cấu trúc việc làm mà cả những phương thức cơ bản trong phát triển cung – cầu lao động.

Đồng quan điểm, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Tập đoàn ManpowerGroup tại Việt Nam phân tích thêm: cách mạng công nghệ 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động, tự động hóa sẽ thay thế lao động chân tay, và nguy cơ hàng triệu lao động có thể mất việc. Vì thế, người lao động cần tìm cách thích nghi bằng cách luôn nâng cao, làm mới kỹ năng của mình. Như vậy, "Cách mạng công nghệ 4.0 mang đến cơ hội và cũng đầy thách thức.

Trong 5 năm tới, các loại công việc đòi hỏi tay nghề, như: thợ điện, thợ mộc, thợ nề... vẫn được xếp vào những công việc khó tìm nhân lực nhất.

Còn theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN… Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam thiếu nguồn nhân lực giỏi

Một trong những thách thức nhỡn tiền của Việt Nam trước cách mạng 4.0 là nước ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi năng suất lao động lại thấp.

Ông Simon Matthews cho rằng, sự thiếu hụt nhân tài là thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Ông dẫn chứng từ kết quả khảo sát "Thiếu hụt nhân tài năm 2016 - 2017" do tập đoàn thực hiện, với 40% trong số 42.000 doanh nghiệp trên toàn cầu cho biết, họ gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, đạt mức cao nhất từ năm 2007. Ở Đông Nam Á, doanh nghiệp cho biết năm 2016 được coi là năm tuyển dụng khó khăn nhất trong 11 năm trở lại đây.

Riêng tại Việt Nam, tình hình thiếu hụt nhân tài cũng tương tự, trong đó nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng “chảy máu chất xám” với con số người Việt Nam làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng 8% so với năm 2014.

Trong khoảng 5 năm tới, nghề thợ điện... vẫn được xếp vào những công việc khó tìm nhân lực nhất

Theo ước tính, trong tổng số hơn 53 triệu lao động trên 15 tuổi của Việt Nam thì chỉ có 9,9 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 18,6% trong tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, ông Simon Matthews nhận định, kể cả đã được đào tạo nghề nghiệp thì lao động của Việt Nam vẫn thiếu hụt nhiều những kỹ năng mềm cần thiết, tinh thần trách nhiệm cũng như khả năng thích ứng trong môi trường nghề nghiệp mới.

Đáng chú ý, trong danh sách những ngành nghề khó tuyển dụng nhân sự nhất, là: công nghệ thông tin, kỹ sư, nhân viên tài chính kế toán, sản xuất và vận hành máy… Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin đang thiếu hụt nhân tài trầm trọng trong nhiều năm nay, thứ hạng thiếu hụt đã tăng từ hạng 9 lên hạng hai trong năm 2016.

Trước thực trạng thiếu hút nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đang phải khỏa lấp bằng việc tự đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng của họ. Con số này đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2015 từ mức 20 - 50%, trong khi 36% tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn, 28% tìm kiếm chiến lược tuyển dụng thay thế chiến lược truyền thống, 26% trả lương cao…

Cấp thiết chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thực tế, thích ứng với kỷ nguyên số để phát triển nhân lực là hết sức quan trọng, cấp thiết. Ông Đinh Đức Hùng, Kỹ sư trưởng giải pháp SmartCity, Viettel Telecom chỉ ra, có 4 vấn đề mà con người cần chuẩn bị và đối phó trong cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: Hạ tầng kết nối, làm chủ công nghệ mới, ứng dụng công nghệ viễn thông trong các ngành nghề và nguồn nhân lực. Theo đó, vấn đề nguồn nhân lực là điều đáng lo ngại nhất để Việt Nam chuyển dịch theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang có trên 90% triệu dân, trong số đó có nhiều thành phần như công nhân, nông dân, công chức, người làm trong lĩnh vực dịch vụ…

Còn Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, cần thay đổi phương pháp đào tạo truyền thống cũng như cung cấp các kiến thức và kỹ năng mới cho người lao động để họ thích ứng, thích nghi với sự thay đổi thông qua việc nâng cao, làm mới các kỹ năng thay vì “vứt bỏ” những người lao động không đáp ứng được để tuyển dụng lao động mới.

Chính vì thế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời về công nghệ và kỹ năng cho người lao động. Cần có các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ và xây dựng các dự án đào tạo kỹ năng cho lao động nhằm đảm bảo khả năng tìm việc và phát triển bền vững của người lao động.

Bổ sung giải pháp, ông Simon Matthews nhấn mạnh: sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời về công nghệ, kỹ năng cho người lao động là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tuyển dụng nhân tài, mạnh dạn sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyển dụng, đào tạo. Mặt khác, chính người lao động phải luôn tìm cách thích nghi và làm mới kỹ năng của mình, vì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ./.