Phát hiện 27 cuộc tấn công mạng dịp APEC

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn quốc hội vào sáng 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, đã ghi nhận hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỉ riêng trong hội nghị APEC vừa qua, đã có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí; cùng với đó là 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.

Hiện tại, về nguyên tắc không có hệ thống thông tin nào an toàn tuyệt đối trong thời gian dài nên công tác đảm bảo an toàn thông tin phải liên tục.

Theo ông Tuấn, đã phát hiện 27 cuộc tấn công mạng trong dịp APEC

Ông Tuấn thông tin thêm: Hiện có 41% cơ quan, tổ chức trên toàn quốc không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin mạng. Theo đó, ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta nhận thức việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng. Chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế. Cần phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức”.

Google, Facebook thu 100 triệu USD nhưng không đóng thuế

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay dù tốc độ truyền tin trên mạng là áp đảo, nhưng đa số người dân vẫn tin tưởng hơn vào sự trung thực của báo chí.

Trước đó cũng trong nội dung trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người đăng trên Youtube, một số người dân coi đây là "việc nhẹ nhàng, nhưng có thu nhập".

Cũng trong phần trả lời của mình Bộ trưởng thông tin thêm, trong cuộc làm việc với Đại sứ Mỹ mới đây, có sự tham dự của đại diện Google và Facebook, ông đã đề cập với đại diện những đơn vị này ở Việt Nam về vấn đề hợp tác giữa hai bên không tốt. Bộ trưởng cũng trả lời trước Quốc hội, năm 2016 các nhà dịch vụ này thu được rất lớn khoảng 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào.

Bộ Thông tin Truyền thông đang yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trong nước cân nhắc nghiêm túc việc đưa sản phẩm độc quyền lên nền tảng xuyên biên giới, vì qua đó vô tình góp phần giúp các mạng xã hội toàn cầu lấy đi cơ hội phát triển của nhà mạng Việt Nam.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phối hợp để để kiểm soát việc mua bán, quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới; kiểm soát kinh doanh và nộp thuế với Facebook, Google.

Năm 2017, Google, Facebook thu 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế

Ngay sau phần trả lời này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) đã có ý kiến tranh luận khi cho rằng: "Khi bác Google, chú Facebook mà làm sai, làm quá thì mình phải có biện pháp xử lý chứ không thể chỉ trách móc, vỗ vai là xong".

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, Việt Nam không phải là mảnh đất hoang, không thu thuế gì cả. Vì vậy, đại biểu đề nghị bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đề nghị Quốc hội có biện pháp, có quy định pháp luật để xử lý những vấn đề nêu trên.

Sẽ cạnh tranh với Facebook, Google trong 5-7 năm tới

Trả lời chất vấn về thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge, nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện có mạng trong nước đã thu hút 70 triệu người dùng nhưng con số ngày càng suy giảm, so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiếm tốn.

Ông Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh, khi đó mới có cơ sở tin tưởng mạng xã hội trong nước cạnh tranh Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung vào cuộc một cách tập trung. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đã gỡ 5.000 video xấu độc trên Youtube

Cũng trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... Trên Youtube, đã cố gắng và mới gỡ được trên 5.000 video xấu độc. Tuy nhiên lượng video đưa lên là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý.

Trong quá trình làm việc với Goolge, Youtube, Bộ Thông tin Truyền thông nhận được sự hợp tác tốt hơn so với Facebook.

Thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Cùng với đó, những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng vì cơ quan quản lý không thể rà soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội./.