Sáng nay (24/11), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”.

Năng suất chưa nổi trội

Đánh giá nền kinh tế năm 2017, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều bứt phá: xuất khẩu và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước chậm, hiệu quả sử dụng vốn chưa có cải thiện rõ nét, tỷ lệ trả lãi và nợ gốc lớn…

TS. Đặng Đức Anh cho rằng, “nếu chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh chính sách tài khoá thì sẽ gây ra sự bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô và lạm phát. Nên việc nâng cao năng suất cũng như cải thiện kỹ năng quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Bởi hiện tại, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ phát triển ở chiều rộng và chủ yếu dựa vào nguồn lao động giá rẻ”.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, năng suất và sáng tạo, đổi mới được xác định là hai yếu tố, là điều kiện quan trọng hàng đầu để chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xuất hiện làn sóng Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cũng như đáp ứng đòi hỏi tham gia vào chuỗi cùng ứng toàn cầu, tiếp cận, phát huy và làm chủ công nghệ số trong hoạt động sản xuất...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, cả năng suất và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đều rất hạn chế.

Về năng suất, so sánh với các nước ASEAN, TS. Đức Anh nhận định, tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta chưa nổi trội. Đóng góp TFP của Việt Nam giai đoạn 2000-2015 hầu như không thay đổi. Trong khi đó, các nước trong khu vực có thay đổi rất lớn, ví dụ như TFP của Trung Quốc trong 15 năm tăng 1,6 lần.

Mặt khác, thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt lao động bậc trung, chỉ đáp ứng được 20% tới 30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2010-2015. Ngoài ra, nền kinh tế còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực. Tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam tăng từ 16% lên 24% trong giai đoạn 2010-2015. Đây là rào cản lớn đối với mục tiêu tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Liên quan đến đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tiến hành cải thiện sản phẩm và đề ra sản phẩm mới, còn đổi mới về khoa học công nghệ có xu hướng thụt lùi.

Cần chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật

Để nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phục vụ doanh nghiệp kết hợp với tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Minh Trang)

Đặc biệt, cần hun đúc tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo đội ngũ doanh nhân cũng như tăng cường chất lượng giáo dục nói chung để có những doanh nhân có tầm hiểu biết, kiến thức tốt khi bước vào con đường khởi nghiệp hoặc để họ sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động lên tầm mức cao hơn, cho ra đời những sản phẩm chất lượng và giá trị gia tăng cao thông qua đổi mới công nghệ sản xuất.

GS. John FitzGerald - Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin kiến nghị, để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: vốn, khoa học công nghệ và con người. Trong đó, để phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước đã phát triển, thì quan trọng nhất là Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Bên cạnh đó, GS. John FitzGerald còn gợi ý, để nâng cao năng suất lao động, cải thiện hiệu quả kỹ thuật và quy mô, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tích cực liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Kinh nghiệm của Ireland là một ví dụ điển hình khi các doanh nghiệp nước này đã kết nối và học hỏi từ doanh nghiệp FDI của Anh, Mỹ, Nhật Bản…, nhờ đó mà trình độ lao động cao hơn, năng suất lao động được cải thiện…

Hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đào tạo nghề chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường; cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ; đẩy mạnh quá trình thoái hoá vốn…

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo./.