Văn bản chỉ đạo vừa được Văn phòng Chính phủ phát ra ngày 30/11.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Những ngày qua, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin phản ánh, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự.

Điển hình là các trường hợp: Cháu gái 7 tuổi, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành dí sắt nung đỏ vào người; người giúp việc có hành vi bạo hành “tung hứng” cháu gái gần 2 tháng tuổi ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em của bảo mẫu trường mầm non Mầu Xanh tại phường Hiệp Thành, Quận 12, TP Hồ Chí Minh; cháu gái 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá nghi bị bà nội sát hại do mê tín dị đoan và vụ cháu gái 16 tuổi ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội nghi bị anh rể họ xâm hại tình dục hơn một năm không dám lên tiếng.

Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ việc nêu trên và các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em khác để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm chễ hoặc không xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.

Riêng vụ sát hại cháu gái 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá cần làm rõ hoạt động mê tín dị đoan của "thầy bói" dẫn đến hậu quả gây án giết người như báo chí nêu, nếu đúng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hình sự.

Báo cáo kết quả xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trước đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 1581/VPCTN-TH gửi UB quốc gia về trẻ em, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước tình hình này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Uỷ ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, luật Trẻ em năm 2016.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em./.