Kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước mới đây chỉ rõ, không ít ngân hàng thương mại đã vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến bị thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch... Điều này cho thấy, sự tuân thủ các quy định về góp vốn mua cổ phần theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đang có vấn đề.

Qua bài viết “Tuân thủ quy định góp vốn mua cổ phần theo Luật Các tổ chức tín dụng”, tác giả Trần Dục Thức sẽ cho thấy một số cách “lách luật” hiện nay và đưa ra một số kiến nghị khắc phục hiện trạng này.

Năm 2014, đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng và đồng bộ hơn trong chỉ đạo và tổ chức triển khai Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào các biện pháp hành chính, thì vẫn chưa đủ, mà cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, cũng như bản thân các tổ chức tín dụng. Tác giả Chu Thị Minh Trí sẽ điểm lại những kết quả trong thực tế, phân tích tác động của xử lý nợ xấu và đưa ra một vài đề xuất để việc xử lý nợ xấu được tiến hành nhanh, mạnh mẽ hơn qua bài “Xử lý nợ xấu trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”.

Năm 2014, CPI của Việt Nam tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Dự báo trong giai đoạn tới, lạm phát sẽ vẫn tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tác động của lạm phát thấp đối với nền kinh tế như thế nào sẽ được tác giả Nguyễn Ngọc Tuyến phản ánh rõ qua bài “Lạm phát thấp cho thấy cả cơ hội lẫn thách thức”.

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang có xu hướng giảm dần, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, thì hình thức đầu tư Đối tác Công - Tư (PPP - Public Private Partner) được coi là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để vận hành và phát huy hiệu quả các dự án PPP lại không hề dễ dàng, nhất là khi Việt Nam chưa xây dựng được một mô hình quản lý các dự án PPP. Qua bài “Hoàn thiện mô hình quản lý thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam”, tác giả Trần Nguyễn Ngọc Cương sẽ phân tích thực trạng quản lý PPP hiện nay của Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất mô hình quản lý thực hiện dự án theo hình thức này.

Nhà nước đã có nhiều chính sách quyết liệt, song tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại sao lại có tình trạng này? Tác giả Võ Tá Tri sẽ đi sâu phân tích nguyên nhân, đồng thời đưa ra thông điệp giải quyết vấn đề này. Đó là cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng qua bài viết “Cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả, hàng bẩn: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng”.

Thế giới đã chứng kiến một năm 2014 với nhiều biến cố phức tạp, khó lường. Các điểm nhấn tạo nên bức tranh tổng quát đậm gam màu xám và triển vọng năm 2015 cũng không mấy lạc quan. Tác giả Nguyễn Nhâm với bài viết “Tổng quan kinh tế toàn cầu 2014 và dự báo 2015” sẽ cùng bạn đọc điểm lại những diễn biến chủ yếu của thế giới năm 2014, từ đó đưa ra một số đánh giá, dự báo cho năm nay.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết sâu khác về vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, một số vấn đề trong phát triển ngành da giầy, ngành than... Cùng với đó là các bài viết phản ánh các mặt kinh tế - xã hội của một số địa phương, như: Đắc Lắk, Hà Nội, Khánh Hòa... Chuyên mục Nhìn ra thế giới số này cũng có nhiều bài viết hay về kinh nghiệm của một số nước trong xử lý nợ xấu, xóa đói giảm nghèo...