Năm 2015, Việt Nam đón nhận hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương có hiệu lực, hoặc chuẩn bị được ký kết. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức? Qua bài phỏng vấn với bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này, bạn đọc sẽ có thêm những chia sẻ qua bài “Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức hội nhập”.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và cố gắng thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đúng với kỳ vọng. Bài viết “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có bước thay đổi căn bản”, tác giả Hồ Sỹ Hùng sẽ cho thấy một số chính sách chưa phát huy tác dụng và cần phải thay đổi những gì.

Trong kết luận Hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngày 9/01/2015, Chính phủ một lần nữa yêu cầu, xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu. Đồng thời, đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiến trình này. Sự sốt ruột lúc này hoàn toàn có cơ sở, bởi thời điểm phải hoàn thành kế hoạch (ngày 31/12/2015) cũng không còn quá xa, trong khi tiến độ tái cơ cấu vẫn còn quá chậm. Qua bài “Bàn về cú “chạy nước rút” trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015”, tác giả Nguyễn Thị Cẩm Thúy sẽ phân tích rõ những gì đã làm được và chưa được trong tái cơ cấu DNNN tính đến thời điểm hiện nay.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song nguồn tài chính để thực hiện điều này lấy từ đâu vả bao nhiêu để đạt được hiệu quả. Bài viết “Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu” của tác giả Phạm Hoàng Mai và Nguyễn Thị Diệu Trinh đã phân tích những nỗ lực của Việt Nam và nhu cầu đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như xu thế về cung cấp tài chính cho biến đổi khí hậu trên thế giới, từ đó tác giả khuyến nghị những giải pháp huy động nguồn lực cho công tác này trong thời gian tới.

Bức tranh kinh tế năm 2014 đã có nhiều mảng màu sáng hơn năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 5,98% và CPI chỉ tăng 4,09%. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì được các cân đối vĩ mô, đồng thời, phục hồi lại tăng trưởng kinh tế ở mức cao hợp lý, trong một vài năm tới, việc tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Với bài viết “Kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô: Làm gì để thoát vòng luẩn quẩn?”, tác giả Lê Quốc Phương sẽ cùng bàn luận và cho bạn đọc câu trả lời.

Hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội vĩ mô được cải thiện tốt làm cho tình hình thu NSNN năm 2014 tiếp tục duy trì thành tích “đạt và vượt dự toán”. Song năm 2015, liệu thành tích này có được duy trì tiếp hay không? Tác giả Vũ Đình Ánh sẽ phân tích sâu vấn đề này qua bài “Thu ngân sách nhà nước: Thực trạng 2014 và dự báo 2015”.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn về các vấn đề: bất động sản, kinh tế hợp tác, kinh tế biển, xuất nhập khẩu... sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.