Kinh tế chỉ phát triển và giải phóng sức sản xuất tốt nhất, khi người dân được tự do kinh doanh, thuận tiện trong thành lập và vận hành doanh nghiệp. Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra bước tiến quan trọng trong việc định hình quyền tự do của người dân trong kinh doanh và được cụ thể hóa trong các bộ luật liên quan. Song, các quy định mới và tiến trình thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân đang được thực hiện như thế nào là câu chuyện sẽ được tác giả Đoàn Thanh Vũ cho chúng ta rõ hơn trong bài viết "Bàn về quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh mới".

Để kiểm soát lạm phát, thực tiễn đã chứng minh cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách tiền tệ và biện pháp điều hành vĩ mô khác. Bài viết "Phối hợp đồng bộ chính sách quản lý giá và chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát" của nhóm tác giả Nguyễn Thu Hoài, Lê Thị Trâm Anh và Tô Thị Vân Anh sẽ tập trung phân tích cơ chế vận hành của chính sách quản lý giá trong mối quan hệ với chính sách tiền tệ tác động như thế nào đến mục tiêu lạm phát, từ đó đưa ra một số nguyên tắc cần thiết để phối hợp hiệu quả.

Việt Nam đã bước vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngày càng giảm dần, lãi suất tăng cao hơn. Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần đánh giá lại thực trạng quản lý và sử dụng vốn ODA hiện nay, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đó cũng là nội dung mà tác giả Nguyễn Thị Lan muốn nói đến trong bài "Quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp".

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhận định sẽ có tác động lớn và toàn diện đến cả kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, tác động của TPP đến thu ngân sách là rất lớn. "Một số nhận định về nguồn thu từ thuế khi Việt Nam tham gia TPP" của tác giả Nguyễn Thị Minh Hạnh sẽ phân tích, chỉ ra những tác động, từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm ổn định nguồn thu từ thuế của ngân sách nhà nước khi TPP được chính thức thực hiện.

Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đến nay vẫn còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng và cần nhiều nỗ lực để cải thiện. Tác giả Trần Văn Hòe và Nguyễn Huy Anh sẽ đưa ra một số đề xuất thực hiện vấn đề này trong bài "Một số giải pháp để đảm bảo tái cơ cấu thành công ngành Thủy sản".

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới đã và đang đem lại nhiều chuyển biến tích cực ở các địa phương, số địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc giữa thành tích “chuẩn Nông thôn mới” với “số nợ xây dựng cơ bản” của các địa phương. Giải quyết được bài toán nợ xây dựng cơ bản là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo tính bền vững của Chương trình này. Điều đó sẽ được tác giả Nguyễn Thị Bích Điệp phân tích sâu hơn trong bài "Nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

và một số giải pháp tháo gỡ".

Tạp chí số này còn nhiều bài viết với các nội dung phong phú khác sẽ đem đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích./.