Trong nhiều năm qua, gạo luôn được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản nói riêng và xuất khẩu cả nước nói chung. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tháo gỡ những khó khăn đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu đối với mặt hàng gạo của Việt Nam. Điều này sẽ được tác giả Phạm Vĩnh Thắng phân tích cụ thể trong bài "Bàn về chính sách thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam".

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay và là một trong những khâu đột phá trong cải cách thể chế kinh tế thị trường. Tác giả Mai Lâm Sơn với bài "Nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước" sẽ nhìn lại tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp thời gian qua. Mặc dù bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để giảm phát thải khí nhà kính cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là các giải pháp trong ngành năng lượng để đảm bảo phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường. Cụ thể vấn đề này như thế nào sẽ được phản ánh trong bài "Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam" của tác giả Nguyễn Hoàng Lan.

Trong các ngành kinh tế của Việt Nam thì logistics có vai trò đặc biệt quan trọng trong thông thương, buôn bán hàng hóa, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, logistics nước ta vẫn bộc lộ sự non trẻ. Tác giả Vũ Quỳnh Vân với bài "Một số giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam" sẽ đưa ra những gợi ý để logistics thực sự trở thành thế mạnh của Việt Nam trong tiến tình hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế.

Cũng như nhiều ngành khác, xuất khẩu thép đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Với những phân tích sâu sắc của tác giả Phạm Hùng Cường và Nguyễn Đặng Thành Tường trong bài "Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu thép trong bối cảnh mới của hội nhập" để thấy rằng, ngành thép cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần ở những thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam chưa phát triển có nguyên nhân lớn bởi ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém. Nhận định này là có cơ sở, bởi thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất, hay lắp ráp trong nước còn thấp. "Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Thái Lan về phát triển công nghiệp hỗ trợ" là bài viết của tác giả Đặng Hữu Khánh Trung, qua đó sẽ gợi ý cho Việt Nam nhiều cách làm hay để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết với các lĩnh vực khác nhau, bên cạnh đó là các bài về các mặt kinh tế, xã hội của một số địa phương trên cả nước sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin hữu ích./.