Với vai trò quốc sách hàng đầu, động lực then chốt đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, khoa học và công nghệ Việt Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Những giải pháp nào cần phải thực hiện trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này sẽ được tác giả Trần Tiến Mạnh đưa ra trong bài "Phát triển khoa học và công nghệ theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII của Đảng".

Tác giả Bùi Quang Tín với bài viết "Giữ bí mật thông tin trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại các ngân hàng thương mại" sẽ phân tích vấn đề dưới góc độ pháp luật. Trong đó, tập trung khái quát về cơ sở pháp lý, đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về cơ chế giữ bí mật thông tin khách hàng có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại ngân hàng. Từ đó, kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại ngân hàng.

Quản lý chi ngân sách nhà nước theo đầu vào thường không giải quyết được những vấn đề then chốt theo các mục tiêu do Chính phủ đề ra. Các mối liên kết giữa ngân sách nhà nước với những dịch vụ công do Chính phủ cung cấp thường yếu kém và ít có động lực để đơn vị chi tiêu sử dụng nó một cách hiệu quả. "Đổi mới chu trình chi ngân sách theo kết quả đầu ra", đó cũng là tiêu đề bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa, sẽ là một hướng đi phù hợp, đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 là đổi mới trong quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 do Quốc hội đề ra có chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% trở lên. Một mục tiêu tưởng chừng khá khiêm tốn, song không dễ đạt được trong bối cảnh hiện nay, nếu không quyết liệt triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra. Vì sao lại như vậy và phải làm gì để đạt được mục tiêu đề ra sẽ được tác giả Lê Quốc Phương phân tích kỹ trong bài "Xuất khẩu năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng 10%".

Thảm họa môi trường mang tên Fomorsa, với hậu quả “nhãn tiền” là cá chết hàng loạt, môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung bị hủy hoại, dẫn tới ngành kinh tế biển, cũng như ngư dân của các tỉnh này lâm vào tình trạng khốn đốn là hồi chuông cảnh tỉnh trong vấn đề bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng. Câu hỏi đặt ra là hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam đang thiếu, hay là những yếu kém trong khâu thực thi khiến các vụ việc doanh nghiệp FDI vi phạm, gây ô nhiễm đang trở thành hiện tượng phổ biến? Tác giả Phan Tú Anh sẽ có những bình luận sâu trong bài "Doanh nghiệp FDI và vấn đề bảo vệ môi trường: Nhìn từ góc độ thực thi chính sách".

Cũng về vấn đề môi trường, tình trạng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người gây ra đang ngày càng lớn… trở thành vấn nạn của đất nước. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về phát triển nền kinh tế xanh ngày càng cấp bách. Tác giả Hà Thị Sáu với bài "Vai trò của hoạt động tín dụng ngân hàng trong phát triển nền kinh tế xanh" sẽ trả lời cho câu hỏi vai trò của hoạt động tín dụng ngân hàng đối với phát triển nền kinh tế xanh như thế nào? Làm thế nào để hoạt động tín dụng có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế xanh?.

Tạp chí số này còn có nhiều bài viết về các lĩnh vực ngân hàng, du lịch, giáo dục... Bên cạnh đó số này còn có một số bài viết phản ánh các mặt kinh tế - xã hội của Quảng Bình sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin hữu ích./.