Sau nhiều năm tổ chức nghiên cứu, Dự thảo Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến. Dự thảo Luật Quy hoạch với nhiều nội dung quan trọng đã hướng đến giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế hiện nay của công tác quy hoạch, có xem xét kinh nghiệm của thế giới và tính đến những đặc thù của Việt Nam là một nước đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tác giả Trần Hồng Quang sẽ cho bạn đọc hiểu thêm về luật này qua bài "7 nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Quy hoạch".

Với tư tưởng cải cách sâu rộng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (năm 2014) đã tạo luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Trong suốt 12 tháng triển khai vừa qua, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng liên tục hai con số so với cùng kỳ và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường. Để nhìn rõ hơn những gì đã làm được và chưa được, bài viết "Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư: Nhìn lại một năm thực hiện" của tác Trần Thị Hồng Minh sẽ cho biết chi tiết thêm.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Bối cảnh ấy được ví von như Nhà nước đang chỉ huy trận đánh kinh tế, nhưng buồn thay với trên dưới 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động như hiện nay, trận đánh ấy như “có tướng, mà không có quân”. Đã vậy, dù quân số không đủ, song chất lượng “lính” cũng không hề tinh nhuệ, mà lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh. Do đó, mục tiêu phải có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 là không dễ, nếu không có sự quyết tâm đủ lớn. Tác giả Đặng Đức Thành sẽ đưa ra một số kiến nghị để hoàn thành mục tiêu này trong bài "Để Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020".

Cùng với Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NĐ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Triển khai thực hiện những quyết sách này, được đặt nhiều kỳ vọng là sẽ tạo thêm động lực đổi mới, nhất là tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp, ngành và hệ thống công chức cùng chung sức, đồng lòng phát triển đất nước. Tác giả Phùng Thị Phương Anh với bài "Cải cách môi trường kinh doanh: Lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp" sẽ nói sâu hơn vấn đề này, điều mà Chính phủ đang nỗ lực dồn sức thực hiện.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã duy trì và trụ vững ở mức khá, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đã xuất hiện xu thế chậm lại, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lại chậm được cải thiện. Bài viết "Bàn thêm về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam" của tác giả Nguyễn Châu Trinh sẽ phân tích rõ thêm, đồng thời có một số giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới để đạt mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Năm 2015, thị trường bất động sản đã vượt qua nhiều khó khăn của giai đoạn trầm lắng, chuyển sang trạng thái phục hồi, có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015 là mốc quan trọng của quá trình hội nhập, được dự báo sẽ mang lại lợi ích cho thị trường bất động sản của các nước thành viên với nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường văn phòng và bán lẻ. Điều này ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào và cần làm gì để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức là nội dung bài viết "Giải pháp phát triển thị trường bất động sản Việt Nam trong thời kỳ mới của quá trình hội nhập" của tác giả Huỳnh Phước Nghĩa.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết hay về doanh nghiệp, các mặt kinh tế tại một số địa phương sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin hữu ích./.