Công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó, có việc củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục và hoàn thiện, nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân, bảo đảm quyền tiếp cận các điều kiện sống tốt hơn. Những giải pháp đó như thế nào sẽ được tác giả Phạm Thị Hồng Hoa đề cập tới trong bài "Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam".

Xuất khẩu dịch vụ đang là lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn và thể hiện được tiềm năng xuất khẩu của mỗi quốc gia. Qua bài "Xu hướng xuất khẩu dịch vụ của thế giới và cơ hội đối với Việt Nam", tác giả Lê Tuấn Lộc sẽ phân tích những yếu tố môi trường tác động đến hoạt động xuất khẩu dịch vụ và nhận dạng xu hướng thay đổi xuất khẩu dịch vụ thế giới, từ đó đề xuất khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ năm 1992, Việt Nam đã thí điểm chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, nhưng không qua sàn, hậu cổ phần hóa vẫn là “việc xưa, người cũ” và công nghệ cũ…! Tiếp đến 10 năm gần đây lại vấp phải những rào cản lớn bởi các “quả đấm thép” của Nhà nước quá phức tạp không cổ phần hóa suôn sẻ được! Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Đó là vấn đề mà tác giả Nguyễn Đại Lai sẽ đề cập trong bài "Đề xuất giải pháp cổ phần hoá DNNN trong chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam sau năm 2016".

Việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, cùng sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối năm 2015 đã và đang tạo đà phát triển để các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng lớn mạnh. Tuy nhiên, để có thể đứng vững và cạnh tranh trong bối cảnh mới của tình hình hội nhập, đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải vươn lên trong khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội. Bài viết "Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Chủ động vượt qua thách thức đón đầu xu thế mới" của tác giả Đỗ Phương Thảo sẽ cho biết cần phải thực hiện những giải pháp gì?

Trong năm 2015 và năm 2016, tần suất khủng hoảng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện khá nhiều. Bài viết "Xử lý khủng hoảng thương hiệu của doanh nghiệp tại Việt Nam" của tác giả Đỗ Ngọc Bích sẽ tập trung phân tích một số cách xử lý khủng hoảng mà thương hiệu Việt Nam đã áp dụng trong thời gian gần đây, từ đó rút ra một số lỗi truyền thông mà doanh nghiệp đã và đang vướng phải.

Trong những năm qua, mặc dù đã có những nỗ lực nhất định trong việc khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, đến nay, “cơn khát vốn” của khối doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết. Tác giả Phạm Văn Sinh sẽ phân tích những khó khăn khi tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này trong bài "Nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Là quốc gia có cơ cấu “dân số vàng”, song lao động Việt Nam đang rơi vào tình trạng thừa số lượng, thiếu chất lượng và nhìn chung là năng suất lao động còn thấp. Trong khi đó, tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra áp lực rất lớn về chất lượng lao động. Với bài "Mấy vấn đề về năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập", tác giả Phạm Vương cho thấy rằng, nếu không tăng năng suất lao động, những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại sẽ không được tận dụng để tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Cùng với các bài trên, tạp chí số này còn nhiều bài phân tích với nội dung sâu sắc trong các lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, nợ công, nông nghiệp... sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin hữu ích./.